Bước vào mùa mưa, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,5 ngàn ca mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bệnh SXH tuy chưa có vaccine nhưng có thể phòng bệnh bằng những hành động đơn giản với phương châm “không có lăng quăng, không có muỗi thì không có SXH”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 13; ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 13; ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023
Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch SXH trên địa bàn
Sáng 15-6, Sở Y tế đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 13; ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành đã đến dự.
Phát biểu tại buổi mít tinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải xác định công tác phòng, chống dịch SXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng, triển khai quyết liệt các giải pháp tối ưu trong công tác phòng, chống dịch SXH và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình dịch SXH trên địa bàn do mình phụ trách. Cùng với đó, cần đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn từ cấp xã đến huyện để có những giải pháp phù hợp.
Thông qua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phối hợp với ngành y tế thực hiện các hoạt động phong trào vệ sinh yêu nước, phòng chống dịch bệnh bằng các hoạt động cụ thể và thiết thực. Trong đó, huy động lực lượng thực hiện tổng vệ sinh môi trường nơi làm việc, làm sạch khu phố, khu dân cư, xóm, ấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân, tham gia hành động ngay bây giờ, không để dịch bệnh tiếp tục gây tổn hại về sức khỏe và đời sống của Nhân dân.

Đoàn xe của ngành y tế và các địa phương diễu hành sau lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 13; ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023
Đoàn xe của ngành y tế và các địa phương diễu hành sau lễ mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 13; ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023
Sự tham gia phòng dịch của người dân đóng vai trò cốt lõi
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,5 ngàn ca SXH, trong đó số ca trẻ dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 58%. Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đã ghi nhận 3 ca tử vong. Tổng số ổ dịch được phát hiện là gần 330 ổ dịch, giảm hơn 34% so với cùng kỳ, tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt hơn 99%. Số mắc cao nhất ở TP Biên Hòa với hơn 400 ca, H.Long Thành hơn 260 ca và H.Nhơn Trạch hơn 170 ca.
Theo nhận định của ngành y tế, tình hình SXH năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ có những diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống dịch sẽ còn gặp những khó khăn, thách thức, nhất là ở các khu vực đông dân cư, những khu nhà trọ cho người lao động không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, thờ ơ với các hoạt động phòng chống dịch.
Hiện đang bước vào đầu mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, dự báo dịch SXH có thể bùng phát mạnh tại Đồng Nai trong những tháng tới. Để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh SXH, ngoài vai trò chủ đạo từ ngành y tế, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể thì sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vẫn là yếu tố cốt lõi.
Theo đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, trường học, công ty, xí nghiệp nên thường xuyên thực hiện các công việc đơn giản như: dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi; loại bỏ hoặc lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín dụng cụ chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cũng khuyến cáo, khi có một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh SXH chuyển nặng như: đau bụng, nôn ói nhiều, chân tay lạnh, chảy máu chân răng… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.