(CTT-Đồng Nai) - Kế hoạch 310 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành
Bác sĩ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030 các trạm y tế trong tỉnh sẽ thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Ngoài ra, trên 95% dân số tham gia BHYT, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% người có nguy cơ mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.
Cần nhất là nhân lực
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư nhấn mạnh, sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số chứ không nhất thiết phải theo địa giới hành chính. Ưu tiên tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở về trang thiết bị, công cụ chuyển đổi số, tăng cường công tác đào tạo, thu hút nhân lực về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
Theo Kế hoạch số 310 của Tỉnh ủy, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, đảm bảo 100% các trạm y tế tuyến xã được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn; 100% trạm y tế đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, có hộ sinh (hoặc y sĩ sản nhi); 100% các cơ sở y tế có cán bộ cử đi đào tạo nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị máy móc cho tuyến y tế cơ sở là cần thiết. Song, phải gắn với năng lực thực tế của các y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, tránh tình trạng đầu tư máy móc hiện đại nhưng không có bác sĩ sử dụng hoặc bác sĩ không đủ điều kiện để sử dụng.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung cho hay, từ nay đến 2025, huyện sẽ sắp xếp lại đơn vị hành chính đối với 4 xã: Bình Hòa, Tân Bình, Phú Lý và Trị An. Do vậy, sẽ tạm dừng xây dựng trạm y tế xã Bình Hòa vì dự kiến xã này sẽ sáp nhập vào xã Tân Bình, tập trung đầu tư cho trạm y tế xã Tân Bình. Riêng 2 xã còn lại đang lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập sao cho phù hợp. Như vậy, từ 12 đơn vị hành chính cấp xã, huyện Vĩnh Cửu còn 10. Huyện sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ tại các trạm y tế.

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Long Thành đọc kết quả xét nghiệm đàm nhằm phát hiện bệnh lao qua máy xét nghiệm Gen Xpert
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Long Thành đọc kết quả xét nghiệm đàm nhằm phát hiện bệnh lao qua máy xét nghiệm Gen Xpert
Sớm thay đổi cơ chế, chính sách
Nhằm khắc phục thiếu bác sĩ ở các trạm y tế, thời gian qua, huyện Trảng Bom đã thực hiện luân phiên bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện về các trạm y tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Trảng Bom, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi có nhiều bác sĩ chỉ công tác một thời gian thì xin nghỉ việc, chuyển công tác. Do vậy, lãnh đạo huyện Trảng Bom kiến nghị cần sớm có chính sách để thu hút, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến trạm y tế. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định liên quan đến khám chữa bệnh BHYT để tạo điều kiện cho các bác sĩ, y sĩ ở tuyến cơ sở hành nghề hiệu quả hơn.
Có kinh nghiệm 30 năm hoạt động ở tuyến y tế cơ sở, BS Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Định Quán chia sẻ, việc hành nghề của bác sĩ ở các trạm y tế đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định liên quan đến BHYT của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Do vậy, mặc dù các trạm y tế được đầu tư khá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc nhưng nhân lực không theo kịp.
“Hiện nay trên 90% dân số đã có BHYT nhưng căn cứ theo quy định của Bộ Y tế về điều kiện thanh quyết toán BHYT thì các trạm y tế thiếu rất nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý và ý chí công tác của đội ngũ y, bác sĩ tại trạm. Các quy định càng ngày càng khắt khe khiến y tế tuyến cơ sở đã khó lại càng khó khăn hơn” - BS Tùng nói.
BS Tùng kiến nghị, cần có nghị quyết đặc thù cho tuyến y tế cơ sở để nhân viên y tế phát huy được những gì đã được đào tạo, để họ được làm việc, được khám bệnh, được chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, y tế xã hiện nay hoạt động rất giống với mô hình y tế gia đình, cần tạo điều kiện, cấp phép để nhân viên y tế xã phát huy được năng lực. Chức năng khám chữa bệnh của tuyến xã cũng phải khác tuyến huyện, tỉnh, không nên giao chỉ tiêu khám chữa bệnh mà nên thực hiện theo hướng đặt hàng, tạo hành lang pháp lý để nhân viên y tế tuyến xã hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành Y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho hay, vừa rồi, UBND tỉnh, Sở Y tế và một số sở, ngành đã làm việc với Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh về việc sẽ xây dựng cơ sở 2 của trường tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành. Trong tương lai, nếu cơ sở 2 của Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động sẽ góp phần đào tạo nhân lực cho ngành Y tế Đồng Nai.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế khẩn trương hoàn thành dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện Kế hoạch số 310 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong Kế hoạch phải lưu ý vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. Nếu cần thiết xây dựng nghị quyết về vấn đề này thì nghiên cứu đưa vào kế hoạch để trình HĐND tỉnh xem xét. Các sở, ngành liên quan nghiên cứu vấn đề kinh phí để thực hiện kế hoạch. Với những khó khăn của tuyến y tế cơ sở, cần nghiên cứu để có hướng tháo gỡ. Vấn đề nào có thể giải quyết ngay thì giải quyết sớm, vấn đề nào cần có lộ trình thì vạch ra lộ trình để thực hiện.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Sở đang khẩn trương tập trung rà soát các vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị của tuyến y tế cơ sở để xây dựng kế hoạch chi tiết, dự kiến kinh phí. Mục tiêu nhằm củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Với những khó khăn của các địa phương như: thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa phù hợp, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế, quyền lợi của người dân tham gia BHYT…, ngành Y tế sẽ cố gắng vừa khắc phục, vừa kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ.

Nhân viên y tế Trạm Y tế Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ kiểm tra cơ số thuốc trong tủ thuốc của trạm
Nhân viên y tế Trạm Y tế Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ kiểm tra cơ số thuốc trong tủ thuốc của trạm