Chính phủ họp trực tuyến về việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia

Thứ bảy - 16/03/2024 07:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

(CTT-Đồng Nai) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia. Tại điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, lãnh đạo Sở Y tế, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 4 trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành nghề y dược.

​​img2-16-3-2024-hung.jpg?t=1751595679

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Cần sửa đổi một số nội dung

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, qua 3 năm thực hiện, Bộ Y tế nhận thấy Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia có một số nội dung bất cập và chưa phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Trong đó, một số nội dung cần sửa đổi như: chức năng nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng chưa được xác định cụ thể; cơ cấu tổ chức chưa quy định tiêu chuẩn điều kiện quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, chưa quy định số lượng phó chủ tịch Hội đồng và tiêu chuẩn điều kiện cụ thể cũng như quy trình bổ nhiệm ủy viên hội đồng. Đặc biệt, chưa được giao số lượng người làm việc hoặc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên không có đủ nhân lực để đảm nhiệm các công việc thường xuyên; chưa có quy định về kinh phí hoạt động… 

Do đó, cần phải sửa đổi các nội dung bất cập trong Quyết định số 956 nhằm xây dựng các cơ sở pháp lý cần thiết để Hội đồng Y khoa quốc gia hoạt động theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. 

Theo đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng (thay thế Quyết định số 956/QĐ-TTg) gồm 5 điều, trong đó xác định Hội đồng là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng đặt tại Hà Nội.

Về kinh phí hoạt động, trong giai đoạn đầu (dự kiến 5 năm), kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp trong dự toán ngân sách Nhà nước của Bộ Y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Sau khi ổn định tổ chức, hoạt động và có nguồn thu, Hội đồng từng bước bảo đảm kinh phí hoạt động...

Hội đồng có 5 nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; ban hành công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Hội đồng có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nghị, khiếu nại, hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh gia năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023 đã thể chế hóa chủ trương, chính sách mang tính đổi mới, đột phá trong lĩnh vực y tế. Trong đó, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế, hài hòa với đặc thù của Việt Nam. Do đó, cần điều chỉnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng.

Với yêu cầu hoạt động thực chất, hiệu quả, đơn giản, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá chuẩn mực, khả thi, phù hợp với hệ thống y tế Việt Nam; quy trình, thủ tục tiếp nhận, công nhận tiêu chuẩn đánh giá quốc tế; kết hợp giữa các kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia và phân cấp cho các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; quy trình đánh giá các trường hợp đặc biệt; phân cấp… bảo đảm khoa học, chặt chẽ, nhưng có độ mở, linh hoạt.

img1-16-3-2024-hung.jpg?t=1751595679 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Đồng Nai

Bên cạnh đó, Hội đồng cần khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các trường đại học y khoa, bệnh viện... đủ điều kiện tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cả về lý thuyết và thực hành, theo hướng hình thành hệ thống đánh giá chất lượng nhân lực y tế trên cả nước, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế không phải đi xa, tập trung ở các thành phố lớn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khi thành lập các hội đồng đánh giá năng lực người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có sự tham gia của đại diện cơ sở thực hành, cơ sở đào tạo, hiệp hội, cơ quan quản lý…; giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ thống nhất mô hình tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách... của Hội đồng.​


Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

41,514

Tổng lượt truy cập

555,058,771
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây