Phát triển y dược cổ truyền tại Trạm y tế xã Tân Hiệp

Thứ ba - 04/03/2025 11:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua, tuyến y tế cơ sở trong tỉnh được đầu tư khá toàn diện, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và nguồn nhân lực.
BS Trần Minh Đăng khám sức khỏe cho bệnh nhân tại trạm y tế
BS Trần Minh Đăng khám sức khỏe cho bệnh nhân tại trạm y tế

Gần dân nhất, hiểu dân nhất

Trạm y tế xã Tân Hiệp, huyện Long Thành hiện có 2 BS (gồm 1 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình, 1 bác sĩ y dược cổ truyền), 2 y sĩ chuyên ngành y học cổ truyền, 1 dược sĩ cao đẳng đang học liên thông lên đại học, 1 hộ sinh cao đẳng và 1 dân số viên.

Trạm y tế xã Tân Hiệp là 1 trong 7 trạm y tế của huyện Long Thành đang được đầu tư sửa chữa lớn về cơ sở vật chất. Các phòng làm việc tại trạm đều sạch sẽ, thoáng đãng, tạo cảm giác dễ chịu cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại trạm.

Trung bình mỗi ngày, Trạm y tế xã Tân Hiệp khám, điều trị cho từ 30 - 40 bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp. Thế mạnh của trạm là lĩnh vực y học cổ truyền với 14 - 16 lượt bệnh/ngày. BS được thực hiện các dịch vụ như: điện châm, xoa bóp bấm huyệt, được bảo hiểm y tế thanh toán nên hầu như người bệnh không phải chi trả thêm tiền sau mỗi lần điều trị.

Trưởng trạm là BS CKI Trần Minh Đăng. Anh về công tác tại trạm từ năm 2014 đến nay. BS Đăng chia sẻ, là tuyến y tế gần dân nhất, hiểu dân nhất nên thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Tân Hiệp luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, từ công tác dự phòng đến công tác điều trị.

Theo BS Đăng, công tác dự phòng cũng giống như việc dập lửa. Khi ngọn lửa còn nhỏ thì phải dập nhanh để lửa tắt bởi đến khi lửa bùng lên dữ dội thì việc dập lửa rất khó. Người dân có thể dự phòng được một số bệnh bằng cách tiêm vaccine và các biện pháp khác. Khi phát hiện một vài ca bệnh đơn lẻ, cần phải xử lý triệt để, không để lây lan, bùng dịch trên diện rộng. Qua đó hạn chế tối đa chi phí điều trị. Công tác điều trị cũng vậy, nếu được phát hiện, điều trị sớm sẽ giúp giảm chi phí điều trị, thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Nhờ làm tốt công tác dự phòng nên xã Tân Hiệp chưa bao giờ là “điểm nóng” của các ổ dịch lớn như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi. Còn trong đại dịch Covid-19, Tân Hiệp là một trong những xã cuối cùng của huyện Long Thành giữ được “vùng xanh” cho đến khi thực hiện giãn cách toàn xã hội. Tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên duy trì từ 96 - 98%, vượt kết quả chung của toàn tỉnh và chỉ tiêu do Bộ Y tế đề ra.

Từ tháng 9-2024 đến nay, trạm tiến hành chiến dịch tiêm vaccine sởi rất hiệu quả. Kết quả, có 111/113 trẻ trong độ tuổi đã được tiêm vaccine sởi bổ sung, có 2 trẻ bị bệnh nền nên trạm đã lập danh sách và gửi đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiêm, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tủ thuốc của Trạm y tế xã Tân Hiệp với nhiều loại thuốc mà trước đây chỉ tuyến huyện mới có
Tủ thuốc của Trạm y tế xã Tân Hiệp với nhiều loại thuốc mà trước đây chỉ tuyến huyện mới có

Giúp người bệnh không phải đi xa

Để đạt được kết quả cao trong công tác tiêm chủng, theo BS Đăng, quan trọng nhất là phải nắm vững đối tượng, xem trong năm nay, tháng này có bao nhiêu trẻ cần tiêm loại vaccine gì. Từ đó phối hợp với mạng lưới y tế thôn ấp, các ban, ngành của xã, các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục, tận dụng công nghệ, mạng xã hội Facebook, Zalo để thông tin về lịch tiêm cho người dân được biết.

Còn với công tác điều trị, khi người dân đến khám bệnh tại trạm, BS khai thác bệnh sử, tư vấn kỹ càng cho người bệnh. Hiện, trạm có 6 máy điện châm, 1 máy siêu âm, 1 máy điện tim, 1 máy tổng phân tích nước tiểu, 4 máy đo đường huyết. Thuốc được đấu thầu tập trung tại Trung tâm y tế huyện Long Thành, được cấp theo nhu cầu của trạm. So với trước đây, số thuốc tại trạm y tế xã được nhiều hơn, có những loại thuốc mà trước đây chỉ được cấp ở tuyến huyện. Nhờ đó mà người dân không phải đi xa, lên tuyến trên để lấy thuốc như trước.

Bà Phan Thị Gái, 79 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp cho biết, bà bị đủ thứ bệnh, từ huyết áp, tim, thần kinh tọa, đau tê 2 chân, gối, đã từng phải phẫu thuật nên có thời gian bà đi đứng không nổi, phải có người dìu. Sau một thời gian được châm cứu tại trạm y tế Tân Hiệp, đến nay bà Gái đã có thể đi lại được.
“Các BS, điều dưỡng ở đây rất giỏi, nhiệt tình, chu đáo, vui vẻ. Chúng tôi vừa bước vào trạm, họ đã nhớ ngay ai tên gì, bị bệnh gì, rồi hỏi thăm xem bệnh có đỡ không. Những ai chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì được hướng dẫn mua thẻ để an tâm điều trị lâu dài” - bà Gái bộc bạch.

BS Trần Minh Đăng chia sẻ: “Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh, hiểu những khó khăn, đau đớn của người bệnh, quán triệt cho bản thân và nhân viên trong trạm tiếp đón, phục vụ người bệnh ân cần, chu đáo, để họ thoải mái khi vào trạm, vui vẻ khi ra về”.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây