Bộ Y tế đề xuất mỗi cặp vợ chồng được tự quyết về số con, thời gian sinh con

Thứ hai - 03/03/2025 09:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Bộ Y tế đang dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Trong đó, Bộ đề xuất mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Các ông bố bà mẹ tương lai tham gia một lớp học tiền sản do Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức
Các ông bố bà mẹ tương lai tham gia một lớp học tiền sản do Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức

Theo đó, từ năm 2006 - 2021, nước ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp; quy mô dân số năm 2023 đạt hơn 104 triệu người (vượt mục tiêu đến 2030 đạt quy mô dân số là 104 triệu người).

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; phân bố dân số đã hợp lý hơn; chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta không ngừng tăng lên; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản pháp luật, Bộ Y tế nhận thấy, nhiều quy định có liên quan đến công tác dân số chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Một số nội dung tại Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc đã được các Luật quy định như: quy định hạn chế về quyền quyết định số con; quy định về việc hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn.

Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về dân số không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác dân số trong tình hình mới như: mức sinh liên tục giảm trong thời gian qua nhưng quy định pháp luật hiện hành lại hạn chế số con (chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con).

Theo Bộ Y tế, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.

Theo dự báo, kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Lúc đó, hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trong hai thập kỷ qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ; mức sinh khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ. Tuy nhiên, năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống còn 2,07 con, dưới mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Bộ Y tế cũng cho hay, đối mặt với các vấn đề về mức sinh, đặc biệt là mức sinh thấp đang và cấp thiết, phải giải quyết như Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách, pháp luật để giải quyết, cụ thể như sau:

Về mức sinh có 55 chính phủ có chính sách tăng mức sinh, 19 Chính phủ tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại. Các nhóm biện pháp chính gồm:

Tại nơi làm việc: cải thiện chế độ nghỉ thai sản, chế độ bố nghỉ chăm con, chế độ nghỉ phép không lương được bảo đảm công việc, thời giờ làm việc ngắn hơn hoặc bán thời gian;
Ưu đãi tài chính: tiền thưởng cho việc sinh con, ưu đãi thuế, trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho trẻ em; hỗ trợ thuê nhà, mua nhà ở;
Chăm sóc trẻ em: tăng tính sẵn có của dịch vụ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em;…
Hỗ trợ sinh sản: cải thiện hỗ trợ của nhà nước cho thụ tinh trong ống nghiệm, quy định bảo hiểm hiếm muộn, tăng tính sẵn có của dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm.

Nhằm góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.

Trong đó, Bộ Y tế đề xuất về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Một người chồng cùng vợ vượt cạn, các bác sĩ đỡ đẻ thành công.
Một người chồng cùng vợ vượt cạn, các bác sĩ đỡ đẻ thành công.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây