Lời khuyên của bác sĩ trong phòng và điều trị bệnh sởi

Thứ năm - 28/11/2024 14:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Để phòng ngừa bệnh sởi, các bác sĩ cho rằng, cách tốt nhất là chích ngừa vaccine sởi đầy đủ, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh sởi.
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sởi điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai - 2.
Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân sởi điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai - 2.

Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đồng Nai - 2 đang điều trị cho 5 bệnh nhân người lớn bị bệnh sởi. Trước đó, nhiều bệnh nhân sởi khác đã được xuất viện.

ThS-BS chuyên khoa I Nguyễn Khổng Tường Minh, Phụ trách khoa Truyền nhiễm cho biết, trong số những bệnh nhân mắc sởi có người đã chích vaccine sởi nhưng thời gian đã lâu, còn lại chưa chích hoặc chích chưa đủ liều vaccine sởi.

Bác sĩ Minh khuyến cáo, người lớn nếu chưa chích vaccine sởi hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng thì nên đi chích vaccine sởi ngay để phòng bệnh. Những người đã từng chích vaccine sởi nếu bị bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn những người chưa chích vaccine. Đối với trẻ em, cần chích đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch.

Bệnh nhân nhập viện do sởi có các triệu chứng như sốt, ho, nổi ban. Trong đó khó chịu nhất là ho nhiều, ho dữ dội. Bệnh thường bị nhầm lẫn với những bệnh đường hô hấp khác nên nhiều người có thói quen dùng các loại thuốc nam, uống nước gừng để chữa bệnh.

Bác sĩ Tường Minh cho hay, tốt nhất là bệnh nhân nên nhập viện để được thăm khám và điều trị sớm. Bởi có những trường hợp sử dụng nước gừng quá nhiều có thể gây bỏng thực quản rất nguy hiểm, khiến việc điều trị và quá trình hồi phục gặp nhiều khó khăn.

Những bệnh do siêu vi gây ra như sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy quá trình điều trị phải kiên nhẫn theo đúng phác đồ, không nên thiếu kiên nhẫn mà dùng thuốc quá liều hoặc dùng thuốc không cần thiết vì sẽ không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Người bệnh cần chú ý nâng sức đề kháng của bản thân, nghỉ ngơi nhiều, không lạm dụng thuốc.

Nhiều bệnh nhân sởi có biến chứng viêm kết mạc. Đây cũng là bệnh do virus, có thể dẫn đến khô giác mạc, viêm loét giác mạc, giảm thị lực, mù lòa. Bệnh nhân sẽ chảy nước mắt rất nhiều, thấy xốn mắt, cộm mắt, đỏ mắt, nếu không chăm sóc tốt có thể dẫn đến loét, mù lòa. Vì vậy, bệnh nhân sởi thường được bổ sung thêm vitamin A để làm giảm tỷ lệ biến chứng về mắt.
Khoa Truyền nhiễm - nơi điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh sởi
Khoa Truyền nhiễm - nơi điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh sởi

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây