(CTT-Đồng Nai) - Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine cho trẻ em.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội
Nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp
Ngày 28-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau đại dịch Covid-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, hơn 107 ngàn ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận gần 5 ngàn ca bệnh sởi, 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca bệnh sởi cao hơn 111 lần. Một số địa phương có số ca mắc sởi cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk… Đáng lưu ý, có nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, Tổ chức Y tế thế giới đã viện trợ cho Việt Nam hơn 1,1 triệu liều vaccine sởi. Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương để triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi.
Ngoài dịch bệnh sởi, trên cả nước cũng ghi nhận số ca mắc ho gà tăng cao. Các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số mắc cúm mùa cũng có xu hướng giảm nhưng đã ghi nhận 7 ca tử vong…
Bộ Y tế nhận định, trong năm 2024, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát, song vẫn có những diễn biến khó lường, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ chưa cao.
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch với các bệnh lưu hành, các bệnh dự phòng bằng vaccine, bệnh viêm phổi nặng do virus. Đồng thời giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca bệnh sởi tăng đột biến, hiện đã ghi nhận hơn 2,3 ngàn ca mắc, 1 ca tử vong. Các loại dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng giảm. Tỉnh cũng ghi nhận một số trường hợp mắc ho gà, viêm não Nhật Bản… Trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi, có khoảng 80 ngàn người đã được tiêm.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh
Bộ Y tế cho biết đến nay, đã có hơn 961,7 ngàn trẻ được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Thực hiện Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Tăng cường tổ chức tập huấn, năng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi.
Cùng đó, khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người…
Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Sởi năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sởi; theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế...
Tăng cường chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của việc sử dụng vaccine đúng lịch, đủ liều theo ngôn ngữ phù hợp tại địa phương. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực cho hệ thống y tế đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị… phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch trên địa bàn theo quy định.