Hệ thống y tế cơ sở ở Đồng Nai hiện có 11 Trung tâm y tế huyện, thành phố và 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế ấp, khu phố. Trong số 170 trạm y tế có hơn 50 trạm y tế đã xuống cấp trầm trọng cần phải xây sửa gấp trong năm nay.

Nhân viên y tế Trung tâm y tế H.Trảng Bom thực hiện nhiệm vụ
Nhân viên y tế Trung tâm y tế H.Trảng Bom thực hiện nhiệm vụ
Trạm y tế quá tải nghiêm trọng
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đang gặp ít nhiều khó khăn. Vòng tròn luẩn quẩn thu nhập thấp không thu hút được bác sĩ về trạm y tế, trạm không có bác sĩ nên không thể khám BHYT khiến người dân mất niềm tin, không đến trạm, trạm không phát triển, nhân viên y tế chán nản cần sớm có giải pháp để tháo gỡ, không thể dây dưa, kéo dài.
BS Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm y tế H.Định Quán cho hay, toàn huyện có 14 trạm y tế xã, thị trấn. Bình quân mỗi trạm y tế có 11 người. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống y tế cơ sở của H.Định Quán rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu nhân lực.
BS Nguyễn Thị Đại Na, Trưởng Trạm y tế xã Thanh Sơn, H.Định Quán cho biết, trạm có 13 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 3 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 2 dược sĩ, 1 dân số viên. So với một xã có địa bàn rộng đến 31 héc ta, dân số lên đến 30 ngàn dân như xã Thanh Sơn thì số lượng 13 nhân viên y tế không thể đáp ứng nổi. Do địa bàn rộng, dân cư đông nhưng sống rải rác nên không chỉ riêng công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia hay các chiến dịch khác như: tẩm mùng bằng hóa chất để phòng bệnh sốt rét, tiêm vaccine cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình…, nhân viên y tế của trạm y tế đều phải đi xuống từng điểm, ấp trong xã để triển khai thực hiện, không thể triển khai tập trung tại 1 điểm là trạm y tế.
“Nhân lực mỏng mà dịch bệnh kéo dài kèm theo nhiều nhiệm vụ khác khiến tất cả anh em nhân viên y tế trong trạm đều đã rất mệt mỏi và đuối sức. Anh em làm việc liên tục không được nghỉ ngơi. Nhiều hôm nhân viên y tế xuống cơ sở làm việc, tiêm vaccine cho người dân, đến khi trở về nhà thì đã tối khuya, trời mưa to, đường sá lầy lội, ai nấy đều ướt như chuột lột. Vậy mà đến sáng ngày hôm sau, không ai được phép nghỉ ngơi, vẫn phải sắn tay tiếp tục làm việc để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao” - BS Na tâm sự.
Được biết, ngoài công tác phòng, chống dịch bệnh, các trạm y tế hiện nay còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh BHYT, thực hiện công tác y tế dự phòng, tham gia các hoạt động của chính quyền địa phương (tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND về công tác y tế trên địa bàn, tham gia các hoạt động của các đoàn thể), thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do Trung tâm y tế huyện giao. Ngoài ra, trạm y tế còn tham gia tất cả các chương trình, dự án về dân số y tế, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, tham gia họp hành…

Nhân viên y tế trạm y tế xã Thanh Sơn, H.Định Quán sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân
Nhân viên y tế trạm y tế xã Thanh Sơn, H.Định Quán sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân
Người dân thiệt thòi
BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu bộc bạch, bài toán về nhân lực ngành Y tế nhiều năm qua ở H.Vĩnh Cửu hiện vẫn chưa giải được. Trong mùa dịch vừa qua, huyện lại có 6 bác sĩ nghỉ việc gồm 2 bác sĩ ở trạm y tế và 4 bác sĩ ở Trung tâm y tế. Toàn hệ thống y tế cơ sở của huyện chỉ còn 56 bác sĩ, trong đó có 6 bác sĩ đã về hưu được hợp đồng làm việc. Do không có bác sĩ hoặc bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề nên đến nay, toàn huyện chỉ có 4 trạm y tế/12 trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT, 8 trạm còn lại không thể triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Điều này khiến người dân trên địa bàn, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi.
“Chúng tôi mong rằng vòng luẩn quẩn này sớm được tháo gỡ bằng việc nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách, chế độ để nâng cao thu nhập, đời sống của nhân viên y tế, giúp nhân viên y tế an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị” - BS Hoài kiến nghị.
Để giải quyết những khó khăn của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, năm 2020, khi UBND tỉnh chuẩn bị trình HĐND tỉnh Nghị quyết về thu hút nhân viên y tế chất lượng cao thì Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu ngưng và chờ triển khai lương mới. Tuy nhiên đến nay, đã gần 3 năm trôi qua, cách tính lương mới vẫn chưa thấy thực hiện. Do vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế gấp rút tham mưu thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, chính sách thu hút, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Sau khi thống nhất, UBND tỉnh sẽ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay.