Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu điều trị bệnh phù bạch mạch. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Đồng Nai và là bệnh viện thứ 3 trong cả nước thực hiện được kỹ thuật này.

Các bác sĩ chia làm 2 ê kíp để thực hiện ca phẫu thuật
Các bác sĩ chia làm 2 ê kíp để thực hiện ca phẫu thuật
Điều trị bệnh lý nguy hiểm
Bà N.T.B.N., 47 tuổi, ngụ H.Trảng Bom nhập viện trong tình trạng sưng phù toàn bộ cánh tay phải, có chỗ lớn hơn tay bên trái 10 cm. Toàn bộ phần bị phù mềm, ấn lõm không trở lại trạng thái bình thường được. Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ung thư vú, đã nạo hạch, cắt trọn vú bên phải 5 năm trước. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng phù bạch mạch ở giai đoạn 3.
BS.CKI Nguyễn Quốc Lữ, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng cho biết, hệ thống mạch bạch huyết là hệ mạch rất nhỏ và mỏng, có nhiệm vụ thu hồi dịch từ khoảng gian bào để đưa về hệ thống tuần hoàn chung. Áp lực trong hệ bạch huyết luôn thấp hơn áp lực trong lòng tĩnh mạch.
Nguyên nhân của tình trạng phù bạch mạch có thể do bất thường trong hệ thống bạch huyết bẩm sinh hoặc do chấn thương, phẫu thuật, hoặc do ảnh hưởng sau xạ trị vào vùng nách sau phẫu thuật ung thư vú.
Ở giai đoạn sớm, chi có thể to lên không thường xuyên và có thể điều trị hiệu quả với phương pháp đơn giản như băng chun. Nếu tình trạng bệnh ngày càng nặng lên, áp lực trong lòng hệ bạch huyết ngày càng cao, thậm chí cao hơn áp lực trong lòng tĩnh mạch, hiện tượng phù ngày càng tăng lên dẫn đến tăng kích thước chi, rối loạn dinh dưỡng, ở mức độ nặng sẽ gây loét và tàn phế.
Ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị bảo tồn như băng chun và phẫu thuật kinh điển là cắt bỏ tổ chức dưới da, hút mỡ… không thể giải quyết triệt để tình trạng bệnh và để lại nhiều di chứng. Do vậy, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định điều trị bằng kỹ thuật siêu vi phẫu.

Bệnh nhân hiện đã hồi phục sức khỏe tốt
Bệnh nhân hiện đã hồi phục sức khỏe tốt
Kỹ thuật rất khó
Với sự hỗ trợ của BS CKII Nguyễn Cao Viễn, Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai thực hiện ca mổ. Trong đó, một ê kíp tiến hành mổ để lấy vạt da ở bẹn của bệnh nhân trong đó có hạch bạch huyết, một ê kíp khác tiến hành bộc lộ cả động mạch và tĩnh mạch ở vùng trên khuỷu tay, sau đó lấy vạt da ở bẹn lên và khâu nối động mạch và tĩnh mạch để nuôi sống vạt da bẹn trong đó có chứa hạch bạch huyết.
Sau 4 tiếng, ca mổ thành công, vạt nối các động mạch hồng hào, có sự đàn hồi tốt, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Theo BS.CKI Nguyễn Quốc Lữ, kỹ thuật vi phẫu là phẫu thuật nối bạch mạch - tĩnh mạch. Đây là phương pháp kết nối trực tiếp các mạch bạch huyết ở ngoại vi với các tĩnh mạch nhỏ gần đó bằng kỹ thuật siêu vi phẫu. Điều này cho phép dịch bạch huyết chảy trực tiếp vào tĩnh mạch và được đưa trở lại tuần hoàn của cơ thể để lưu thông tự nhiên.
Đây là một kỹ thuật khó vì vừa nối động mạch vừa nối tĩnh mạch, kích thước mạch bạch huyết vô cùng nhỏ bé, nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy được vì vậy đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vi phẫu phải có kinh nghiệm, sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi điện tử có độ phóng đại cao, chỉ khâu siêu nhỏ...
Ưu điểm lớn của phương pháp phẫu thuật này là các vết mổ nhỏ, thời gian hồi phục nhanh, đem lại hiệu quả cao cho các trường hợp phù bạch mạch ở giai đoạn sớm. Từ nay, bệnh nhân sẽ không phải di chuyển lên các bệnh viện ở TP.HCM để điều trị như trước nữa.
Mặc dù bệnh phù bạch huyết không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được điều trị sớm sẽ làm giảm các triệu chứng khác đồng thời giúp bệnh nhân giảm sưng, đau và không cảm thấy mặc cảm với cơ thể của mình.