Không để dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát

Thứ hai - 13/06/2022 08:25
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tính đến nay, Đồng Nai đã có khoảng 5.000 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 65% trường hợp là trẻ em. Toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 5 ca tử vong.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (H.Long Thành)
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (H.Long Thành)

Để ngăn chặn đà lây lan của dịch, các địa phương cần chủ động thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng chứ không chỉ dựa vào việc phun hóa chất. Công việc này cần có sự tham gia của các đoàn thể địa phương và ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường của người dân.

Diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2019 (năm không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), số ca mắc SXH có giảm nhưng số ca và tỉ lệ SXH nặng lại tăng gấp đôi. Cùng với đó số ca tử vong cũng xuất hiện nhiều hơn cùng kỳ năm 2019 (tính đến nay đã có 5 ca tử vong).

Trước tình hình dịch bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai chiến dịch diệt lăng quăng vòng I ngay trong tháng 5-2022 tại các điểm có nguy cơ cao về bệnh SXH. Chiến dịch nhằm giảm tỷ lệ ca mắc SXH; nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH; phòng ngừa tích cực, chủ động dựa vào cộng đồng.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH. Tuy nhiên, để dịch SXH không bùng phát thì hoạt động này cần phải được làm tốt hơn nữa.
 
Khảo sát của các chuyên gia Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tại 10 hộ gia đình ở xã Cẩm Đường (H.Long Thành) thì có đến 6 nhà có lăng quăng. Chỉ số BI ở mức cao (130), gấp hơn 4 lần mức cho phép (Breteau index - số dụng cụ chứa nước có lăng quăng muỗi Aedes, đây là chỉ số quan trọng giúp xác định mối nguy cơ dịch bệnh SXH bùng phát). Các dụng cụ chứa nước có lăng quăng là: đồ phế thải quanh nhà, chậu cây, phi chứa nước không được đậy kín…

Ngày 10-6, Sở Y tế đã tổ chức lễ mít tinh, diễu hành tuyến tỉnh nhân Ngày ASEAN phòng chống SXH lần thứ 12; Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã đến dự và đề nghị: “Lãnh đạo các ngành, chính quyền các cấp, các đoàn thể phối hợp tốt với ngành y tế để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ cá nhân, cộng đồng, nhằm hạn chế mức thấp nhất các dịch bệnh xảy ra”.
 
Xử lý nhanh các ổ dịch
 
Hiện nay, người dân có xu hướng thích đi khám tại cơ sở y tế tư nhân vì tính tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải phòng khám tư nhân nào cũng thực hiện các quy định về quản lý thông tin ca bệnh SXH, nhập liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời vào phần mềm trực tuyến Thông tư 54/2015/TT-BYT. Qua kiểm tra thực tế, trong 21 tuần đầu năm nay, Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa đã tiếp nhận, điều trị gần 1.200 ca bệnh SXH nhưng khi kiểm tra dữ liệu trên hệ thống thì không thấy cập nhật. Nguyên nhân là do phòng khám này chưa được cấp tài khoản để thực hiện nhập liệu.

BS Đỗ Kiến Quốc (Viện Pasteur TP.HCM) cho biết: “Người dân có xu hướng đi khám tại phòng khám tư vì quy trình nhanh gọn. Tuy nhiên, số ca bệnh ở phòng khám tư chưa được khai báo trên phần mềm trực tuyến. Để sót ca bệnh không thống kê sẽ khiến cho việc đánh giá tình hình dịch bệnh kém chính xác, để sót số ổ dịch. Chẳng hạn, qua rà soát số liệu trong 2 tuần cuối của tháng 5, H.Long Thành có 17 ổ dịch nhưng theo báo cáo của địa phương này thì mới chỉ có 14 ổ dịch. Việc xác định ổ dịch yếu sẽ dẫn đến can thiệp ổ dịch không đủ cường độ, không kiểm soát được tình hình dịch”.

Để kịp thời phát hiện ổ dịch để dập dịch thì phần báo cáo số liệu SXH từ các phòng khám tư nhân về Trung tâm y tế phải được cập nhật thường xuyên, thời gian cập nhật phải tính theo giờ chứ không tính theo ngày. Bên cạnh đó, Phòng Y tế cần có trách nhiệm tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ; kiểm tra, giám sát các phòng khám tư nhân trong việc khám, điều trị SXH.
 
Trong tuần 22, toàn tỉnh phát hiện 139 ổ dịch, xử lý 141 ổ dịch, số ổ dịch phát hiện tăng 107.46% so với tuần trước (67 ổ dịch) và tăng 334.37% so với tuần cùng kỳ (32 ổ dịch).
 
Tính từ đầu năm đến nay tổng số ổ dịch được phát hiện là 638 ổ dịch, giảm 9.50% so với cùng kỳ (705 ổ dịch). Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt 97.64% (623 ổ dịch được xử lý/ 638 ổ dịch phát hiện).
 
Về chất lượng xử lý ổ dịch, BS Quốc nhận định các địa phương của Đồng Nai đã thực hiện rất bài bản. Trong đó có việc phun hóa chất ngay khi phát hiện ổ dịch. Tuy nhiên, BS Quốc cũng lưu ý trong công tác phòng chống SXH thì không nên quá lệ thuộc vào phun hóa chất mà cần tăng cường chiến dịch diệt lăng quăng.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây