Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 5 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó có những trường hợp bị bệnh nhưng chủ quan không điều trị kịp thời dẫn đến tử vong.

Phụ huynh mệt mỏi vì thức trắng đêm chăm con bị sốc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Phụ huynh mệt mỏi vì thức trắng đêm chăm con bị sốc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngoài 5 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Đồng Nai, cả nước còn ghi nhận 19 ca tử vong khác tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 53%, tử vong tăng 19 trường hợp.
Cục Y tế dự phòng dự báo, trong thời gian tới đây, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch. Do đó, đề nghị các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Khẩn trương thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương ghi nhận số ca mắc và tử vong cao do sốt xuất huyết để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, hóa chất, vật tư phòng dịch.
Các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng. Đồng thời tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao. Tăng cường truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
Để phòng, chống dịch bệnh, người dân cần lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng; mặc quần áo dài tay; ngủ mùng; bôi kem chống muỗi…