(CTT-Đồng Nai) - Tỉnh Đồng Nai hiện có quy mô hơn 3,2 triệu dân, đứng thứ 5 cả nước. Mật độ dân số phân bố không đồng đều tại các địa phương trong tỉnh, đông nhất là TP.Biên Hòa với hơn 4,2 ngàn người/km2, thấp nhất là H.Vĩnh Cửu với 155 người/km2.

Việc cân bằng tỷ số giới tính nam - nữ có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước
Việc cân bằng tỷ số giới tính nam - nữ có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước
Tỷ số 105-108 bé trai/100 bé gái
Thông tin từ Sở Y tế, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn tỉnh đạt dưới 1%. Tỷ số giới tính khi sinh dao động từ 105-108 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh bình quân của cả nước là 113,7 bé trai/100 bé gái.
Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền đến đông đảo người dân, học sinh, sinh viên về việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhiều hoạt động trong Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được triển khai. Trong đó có tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh. Kết quả chưa phát hiện cơ sở y tế nào thực hiện loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Một lớp học có số học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ
Một lớp học có số học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ
Cần xóa bỏ định kiến trọng nam, khinh nữ
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300 nghìn ca/năm.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15-49 đang có chồng thực hiện việc nạo/phá thai và hút điều hòa kinh nguyệt ở mức 0,4%, gần tương đương nhau ở khu vực thành thị và nông thôn.
Tuy tỷ lệ này giảm nhiều so với con số 1,7% năm 2003 nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Đi cùng với vấn đề sức khỏe là các vấn đề về tâm lý, gia tăng căng thẳng , ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình.
Thêm vào đó, mong muốn có con trai của các thành viên trong gia đình có thể khiến người phụ nữ phải chịu áp lực sinh bằng được con trai, đặc biệt là khi người phụ nữ đó là con dâu trưởng hay có chồng là con trai duy nhất của gia đình. Thậm chí, việc không sinh được con trai có thể là nguyên nhân dẫn đến việc người chồng ngoại tình hay đối xử tệ bạc với vợ, làm gia tăng các vụ ly hôn.
Trên phương diện xã hội, theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình. Hệ quả của hệ quả là sẽ có thể gây ra sự bất ổn xã hội, gia tăng các tệ nạn như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu sinh lý của họ không được đáp ứng. Tình trạng này cũng gây thêm khó khăn thách thức mới đối với công tác dân số khi phải tăng thêm nguồn lực đáng kể cho các nghiên cứu và giải pháp khắc phục.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số…

Một lớp học tiền sản cho các ông bố, bà mẹ tương lai do Bệnh viện Đồng Nai 2 tổ chức
Một lớp học tiền sản cho các ông bố, bà mẹ tương lai do Bệnh viện Đồng Nai 2 tổ chức