(CTT-Đồng Nai) - Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận từ 600 ngàn -- 1 triệu người mắc bệnh cúm mùa. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng tăng cao khi thời tiết giao mùa, nhất là mùa đông xuân. Mới đây, tại tỉnh Bình Định đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho em bé bị bệnh cúm.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho em bé bị bệnh cúm.
Cẩn trọng khi thời tiết xuống thấp
Những ngày gần đây, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, đặc biệt vào buổi sáng sớm. Sự chênh lệch nhiệt độ là điều kiện để các bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa.
Gần 1 tuần nay, chị T.T.H.T, ngụ thành phố Biên Hòa phải nghỉ làm để chăm sóc con đang điều trị bệnh cúm tại bệnh viện. Chị Tcho hay, con gái chị 10 tháng tuổi. Do nhà neo người nên sau khi kết thúc thời gian thai sản, chị đành phải gửi con ở một nhóm trẻ gia đình. Vài ngày trước, bé sốt cao, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi nhiều. Sau 3 ngày uống thuốc ở nhà nhưng không đỡ, chị T đã đưa con đến bệnh viện để khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị, đề phòng biến chứng. Theo chị, khả năng mấy ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp nhưng chị không giữ đủ ấm cho con, hoặc con bị lây bệnh từ những đứa trẻ gửi cùng nhóm trẻ.
Trường hợp bà N.S, ngụ thành phố Biên Hòa cho biết, bà có thói quen đi bộ tập thể dục vào buổi sáng. Cứ 4 giờ 30 sáng, bà S đã dậy cùng chồng đi bộ quanh khu vực sinh sống. Thế nhưng 3 ngày nay, bà S thấy người mệt mỏi, đau nhức, có biểu hiện của bệnh cúm mùa.
Bác sĩ Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây trong không khí qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi. Trong thời tiết lạnh, virus gây bệnh cúm tồn tại lâu hơn và dễ lây lan hơn.
Những biểu hiện của bệnh cúm gồm: sốt, ho, đau đầu, đau họng, sổ mũi, đau nhức người. Bệnh thường sẽ tự khỏi trong 1 tuần nhưng cũng có những trường hợp bệnh kéo dài lâu hơn, có khi cả tháng. Người cao tuổi và trẻ nhỏ, những người có bệnh nền như tim mạch, phổi, tăng huyết áp là những đối tượng dễ bị biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi…
Trong khi đó, thai phụ mắc cúm cũng có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn người bình thường. Trường hợp bị biến chứng viêm phổi nặng, thai phụ phải điều trị tích cực, dùng kháng sinh liều cao sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.

Người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tiêm vaccine để phòng bệnh cúm
Bác sĩ Phan Khắc Tuệ, Phó trưởng phòng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vaccine. Hiện nay, vaccine phòng cúm được triển khai ở nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Mỗi người dân nên tiêm 1 mũi vaccine cúm/1 năm để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm. Trường hợp đã tiêm vaccine rồi, nếu bị bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.
Các bác sĩ đặc biệt lưu ý những người lớn tuổi, người có bệnh nền càng nên tiêm vaccine phòng bệnh cúm sớm để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nếu mắc cúm.
Để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm do cúm khi mang thai, chị em phụ nữ nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu tiêm vaccine cúm tốt nhất vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Sau khi sinh, phụ nữ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để truyền kháng thể bảo vệ trẻ khi trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa cúm. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi nếu chưa từng tiêm vaccine cúm cần chủng ngừa 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó tiêm mũi nhắc lại hàng năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn nên tiêm 1 mũi, sau đó nhắc lại hàng năm.
Ngoài tiêm vaccine, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cúm khi nhiệt độ xuống thấp, người dân cần nâng cao sức đề kháng và thể trạng cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tập luyện phù hợp. Những thực phẩm được khuyến cáo tốt cho hệ hô hấp và tăng sức đề kháng cho cơ thể như trứng, sữa, cam, táo, rau củ quả có màu xanh đậm.
Người dân nên uống đủ từ 2-3 lít nước lọc mỗi ngày, nên ưu tiên uống nước ấm. Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thường xuyên. Vệ sinh mũi họng hàng ngày, nhất là khi đi ra ngoài về. Cần hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc các nguồn lây bệnh. Nếu phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Vào thời điểm sáng sớm sau khi mới ngủ dậy, những gia đình có con nhỏ cần chú ý bảo vệ cơ thể trẻ để trẻ không bị nhiễm lạnh bằng cách mặc đủ ấm cho trẻ, nhất là các bộ phận như đầu, cổ, tay chân. Không tắm nước lạnh và nên tắm nơi kín gió, đảm bảo đủ ấm. Nếu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám, điều trị, không nên tự ý điều trị để tránh trường hợp bệnh nặng hơn.