(CTT-Đồng Nai) - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dự kiến sẽ ghép thận trong năm 2025 nhằm điều trị cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối; đây là bước tiến quan trọng không chỉ của bệnh viện mà của cả ngành y tế Đồng Nai.

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ kinh nghiệm về ghép tạng với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ kinh nghiệm về ghép tạng với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Cần chuẩn bị gì?
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất trong hiến và ghép tạng là phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hiến tặng, điều phối, cấy ghép mô, tạng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm chăm sóc người sau hiến tạng. Đặc biệt, chiến dịch “Đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động hồi tháng 5-2024 đã tạo được hiệu ứng tích cực. Đến nay, đã có trên 100 ngàn người đăng ký hiến tạng.
Ghép tạng phải được thực hiện với mục tiêu đảm bảo chăm sóc và điều trị bệnh, không vi phạm y đức, không vi phạm pháp luật, phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong tuyển chọn và điều phối tạng hiến. Đây là yêu cầu bắt buộc chúng ta phải thực hiện.
Theo bác sĩ Thu, teamword là vấn đề quan trọng nhất của hiến, ghép tạng, bao gồm các lĩnh vực: nội khoa, ngoại khoa, hành chính, pháp lý, quản lý… Tất cả đều phải có những quy định ràng buộc lẫn nhau. Cả hệ thống phải được đào tạo bài bản, chỉn chu. Riêng vấn đề chuyên môn, tất cả nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy và ghép tạng phải được đào tạo chuyên biệt, cao hơn 1 bậc so với những bác sĩ làm việc bình thường khác.
Năm 2018, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện thành công ca nhận được mô-tạng của người chết não ghép thành công cho 5 bệnh nhân trên danh sách chờ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao khác. Để triển khai tốt ghép tạng, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu nhấn mạnh, bên cạnh những việc đã làm được, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cần tập trung hơn nữa vào vấn đề đào tạo nhân lực và có quy trình làm việc chặt chẽ hơn. Nếu chúng ta tận dụng được nguồn mô tạng hiến của người bệnh thì sẽ có rất nhiều bệnh nhân khác được cứu sống, giải quyết được vấn đề mua bán tạng, bệnh nhân sẽ an tâm hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí, an ninh trật tự được đảm bảo.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tặng hoa tri ân các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn tại hội nghị khoa học kỹ thuật của bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tặng hoa tri ân các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn tại hội nghị khoa học kỹ thuật của bệnh viện.
Điều phối viên có vai trò rất lớn
Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng hiện nay là thiếu nguồn tạng hiến. Theo thống kê, 96% số ca ghép tạng hiện nay là từ người hiến sống, còn nguồn hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40-90% ở các nước phát triển. Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhận thức xã hội về hiến tạng còn hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ giá trị nhân văn của việc hiến tạng, đồng thời bị chi phối bởi tâm lý e ngại, quan niệm truyền thống và thiếu thông tin đầy đủ.
Theo các chuyên gia, để phát triển chương trình hiến và ghép tạng từ người hiến chết (chết não hay chết tuần hoàn hay tim ngừng đập) bảo đảm tính minh bạch và công bằng, trên thế giới, chỉ riêng người hiến tạng thì có 5 nhánh điều phối viên khác nhau với sự phân chia trách nhiệm riêng biệt. Các điều phối viên khi làm việc phải có kế hoạch, quy trình rõ ràng và cực kỳ tế nhị. Trong đó, nhánh điều phối của hồi sức tích cực có nhiệm vụ tiếp cận, hỏi xin gia đình người bệnh chết não hay chết tuần hoàn về hiến tạng. Tiếp đó là điều phối tiếp nhận người đăng ký hiến tạng; điều phối thông tin truyền thông; điều phối bảo quản tạng hiến, vận chuyển mô-tạng hiến.
Do là vấn đề tế nhị, truyền thông trong lĩnh vực hiến tạng từ người hiến chết cần phải có kỹ năng riêng như: truyền thông vào lúc nào, gia đình có đồng ý truyền thông hay không?. Truyền thông trong hiến - ghép tạng phải không có tên, bởi nguyên tắc đã được quy định trên toàn cầu là người hiến, gia đình người hiến và người nhận tạng không được biết nhau vì những lý do sâu xa trong tương lai.
Trên trang web dieuphoigheptangtphochiminh/solieuthongke, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận trên 1,1 ngàn người đăng ký chờ ghép thận, 23 người chờ ghép tim, 15 người chờ ghép gan, 1 người chờ ghép chi thể.