(CTT-Đồng Nai) Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh suy thận mạn và mỗi năm có gần 8 ngàn ca bệnh mới. Số bệnh nhân suy thận mạn đang có dấu hiệu gia tăng và trẻ hóa. Trước tình trạng số lượng bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối ngày càng tăng, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã, đang và sẽ lắp đặt thêm giường, máy móc hiện đại, bổ sung nhân lực để tăng công suất chạy thận, đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi
BS Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, khoa vừa chuyển toàn bộ 88 giường chạy thận từ khu nhà cũ lên khu nhà 10 tầng mới. Tổng số bệnh nhân đang chạy thận thường xuyên tại khoa là hơn 450 người. Ngoài ra, có khoảng 30 bệnh nhân chưa được nhận vào chu kỳ lọc máu do bệnh viện chưa có đủ máy móc. Những bệnh nhân này khi nào cảm thấy sức khỏe yếu, nhập viện sẽ được bố trí lọc máu theo diện cấp cứu. Không chỉ có bệnh nhân trong tỉnh mà cả những bệnh nhân ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang chạy thận tại đây.
Để đáp ứng nhu cầu chạy thận ngày càng cao của bệnh nhân, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, bệnh viện chuẩn bị lắp đặt thêm 32 giường chạy thận, đồng thời điều chỉnh lại hệ thống máy móc theo hướng hiện đại hơn.
Cụ thể, bệnh viện sẽ đầu tư hệ thống rửa quả lọc bằng máy thay vì phương pháp rửa thủ công như trước kia. Đồng thời, sử dụng hệ thống kín để pha dịch lọc máu tự động, rồi chuyển thẳng dịch lọc đến các máy lọc mà không cần phải có sự can thiệp của nhân viên y tế như trước kia. Qua đó, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo, là vấn đề rất quan trọng trong quy trình lọc thận tại cơ sở y tế.
Theo BS Thảo, hiện có 3 phương pháp để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Đó là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, phương pháp ghép thận rất khó thực hiện do không có nguồn thận để ghép và nếu có thì chi phí rất cao. Trong khi đó, đa số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Phương pháp lọc màng bụng là sử dụng phúc mạc như một màng thấm tự nhiên để lọc nước và các chất hòa tan. Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với chạy thận nhân tạo nhưng chưa được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Do đó, chạy thận nhân tạo vẫn là phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối phổ biến hiện nay.
Chị P.U., 39 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa cho biết, năm 23 tuổi, chị cảm thấy trong người mệt mỏi, đau đầu, cảm cúm, thức dậy vào buổi sáng thấy mắt bị sưng. Sau nhiều lần khám bệnh tại nhiều cơ sở y tế khác nhau, chị U. được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và phải chạy thận từ đó đến nay tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
“Suốt 16 năm qua, mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, tôi chạy thận tại bệnh viện. Do sức khỏe kém nên không làm được công việc gì, không có khoản thu nhập nào, chỉ sống nhờ vào người thân. Đến nay, các khớp chân, khớp tay có dấu hiệu bị xơ cứng khiến tôi khó vận động. Tôi không nghĩ rằng mình lại có thể mắc bệnh suy thận mạn khi tuổi đời còn quá trẻ” - chị U. bộc bạch.

Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có cơ sở mới khang trang, sạch sẽ, đạt chuẩn
Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có cơ sở mới khang trang, sạch sẽ, đạt chuẩn
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, máy móc
Nhằm giúp bệnh nhân không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Biên Hòa và TP.HCM để chạy thận, nhiều bệnh viện tuyến dưới trong tỉnh đã đầu tư khu chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang quản lý 90 bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh viện dự kiến sẽ đầu tư thêm 10 máy lọc thận để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ đã triển khai 8 giường chạy thận, phục vụ 16 bệnh nhân chạy thận mỗi tuần. Nhưng số lượng bệnh nhân đăng ký được chạy thận tại Trung tâm hiện đã lên đến hơn 40 người.
Là 1 trong 2 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đang triển khai chạy thận nhân tạo, Bệnh viện đại học Y dược Shingmark hiện có 35 máy chạy thận, chạy 3 ca/ngày nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân đang phải xếp hàng chờ.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán đang chuẩn bị triển khai khu lọc thận mới được bố trí trong Khoa Hồi sức cấp cứu với quy mô 30 giường. Bệnh viện Đồng Nai 2 chuẩn bị mở rộng khu lọc thận lên 30 giường. Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ cũng đang chuẩn bị triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Tại hội nghị giao ban ngành Y tế tháng 5 mới đây, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung đề nghị các đơn vị trực thuộc tổng hợp cụ thể số lượng bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn có nhu cầu chạy thận trên địa bàn. Từ đó tìm ra nguyên nhân vì sao số lượng bệnh nhân suy thận mạn lại tăng nhanh trong thời gian gần đây để đề xuất lãnh đạo Sở Y tế đề xuất lãnh đạo tỉnh đầu tư thêm máy móc, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các đơn vị chạy thận nhân tạo cần tăng cường thêm nhân lực, bố trí ca kíp đủ để phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế, nhất là những nhân viên mới để nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công việc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816 từ tuyến tỉnh cho tuyến huyện, giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được điều trị ngay tại địa phương.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số bệnh nhân bị suy thận mạn thời gian qua. Trong đó, có những nguyên nhân như: bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, viêm ống thận mô kẽ, bệnh thận đa nang; tắc nghẽn kéo dài đường tiết niệu, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư; trào ngược bàng quang niệu quản gây ra tình trạng nước tiểu trào ngược lên thận; viêm đài bể thận tái phát nhiều lần…
Bệnh suy thận diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Đến khi bệnh có triệu chứng thì đã ở giai đoạn nặng. Do đó, người dân nên thực hiện khám sức khỏe tầm soát 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh nếu có.

Điều dưỡng điều chỉnh máy móc trước khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân
Điều dưỡng điều chỉnh máy móc trước khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân