Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Thứ ba - 29/08/2023 10:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Năm học mới đã cận kề nhưng những ngày này, gia đình ông V.T.T., ngụ xã Thạnh Phú vẫn đang phải chăm sóc con điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Nhân viên y tế giám sát côn trùng phòng bệnh sốt xuất huyết tại H.Long Thành
Nhân viên y tế giám sát côn trùng phòng bệnh sốt xuất huyết tại H.Long Thành

Nhận biết sớm dấu hiệu mắc bệnh

Ông T. tâm sự, những ngày đầu thấy con bị sốt, gia đình đưa đi khám ở phòng khám tư nhân. Tại đây, nhân viên y tế đã truyền nước biển cho con ông nhưng về nhà bé lại tiếp tục sốt cao. Lo sợ con có vấn đề nguy hiểm, gia đình đã đưa bé đi khám tại bệnh viện và nhập viện điều trị cho đến nay.

BS CKII.Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khi trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt cao không hạ, đau bụng, nôn ói, lừ đừ, bứt rứt, thay đổi tính tình, chảy máu niêm mạc bất thường, đi cầu ra máu..., phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện có uy tín để thăm khám, điều trị. Tránh tình trạng truyền nước biển tại các phòng khám tư nhân vì điều trị không đúng cách sẽ khiến bệnh ngày càng nặng.

Những trường hợp trẻ béo phì, nhũ nhi, trẻ mắc các bệnh nền như suy gan, thận, tim mạch, khi có dấu hiệu của sốt xuất huyết cần được nhập viện điều trị ngay. Phụ huynh không nên tự ý mua thuốc ở nhà để cho trẻ uống mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ đi học, cần mặc quần dài, mang vớ, bôi thuốc chống muỗi đốt để tránh bị muỗi đốt.

Với bệnh tay chân miệng, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ; đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu nặng để cho trẻ nhập viện; không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Các trường học ngay từ đầu năm học mới cần vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt vật dụng và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ nước sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch.
Tuyên truyền cách phòng bệnh tay chân miệng cho phụ huynh có con đang điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Tuyên truyền cách phòng bệnh tay chân miệng cho phụ huynh có con đang điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Những biến chứng nguy hiểm

Các bác sĩ cho biết, sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Rất nhiều bệnh nhân đến cơ sở y tế khám trong tình trạng sốt cao, khó thở, mê sảng và thậm chí là vật vã... Những bệnh nhân này nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như: suy tim, suy thận; sốc do mất máu (gây ra các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng... Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng xuất huyết nội tạng với biểu hiện chính là nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh).

Ngoài ra, bệnh nhân có thế bị biến chứng xuất huyết não, dễ dẫn đến tử vong; tràn dịch màng phổi; hôn mê; sinh non, sẩy thai ở phụ nữ mang thai.

Đối với bệnh tay chân miệng, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng về thần kinh (gồm viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy) với những biểu hiện: Rung giật cơ (giật mình chới với), co giật từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa; bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược; rung giật nhãn cầu; tăng trương lực cơ; yếu, liệt chi (liệt mềm cấp); liệt dây thần kinh sọ não; hôn mê kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Với biến chứng tim mạch, hô hấp, bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim và trụy mạch. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm: Mạch nhanh (trên 150 lần/phút); thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây); biểu hiện rối loạn vận mạch, da nổi vân tím, đổ mồ hôi, tứ chi lạnh, có thể chỉ khu trú tại một vùng cơ thể (tay hoặc chân,...).

Biến chứng tay chân miệng ở giai đoạn đầu, huyết áp tăng cao (chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg (đối với trẻ dưới 1 tuổi), ≥ 115 mmHg (đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi), ≥ 120 mmHg (đối với trẻ trên 2 tuổi). Giai đoạn sau không đo được mạch và huyết áp.
Với biến chứng khó thở, bệnh nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều.

Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

Tẩm mùng bằng hóa chất để phòng muỗi đốt tại H.Vĩnh Cửu
Tẩm mùng bằng hóa chất để phòng muỗi đốt tại H.Vĩnh Cửu

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây