(CTT-Đồng Nai) - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa hợp sức phẫu thuật cứu sống nam thanh niên bị đâm thủng tim, phổi rất nguy hiểm. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

Cấp cứu bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Cấp cứu bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Kích hoạt báo động đỏ
BS CKII.Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khoảng 23 giờ 45 ngày 4-9, anh N.V.H., 31 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa được chuyển từ Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng bị vết thương thấu ngực trái, sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Xác định đây là ca bệnh rất nặng, Khoa Cấp cứu ngay lập tức kích hoạt hệ thống báo động đỏ, mời gấp các bác sĩ chuyên khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch và Gây mê hồi sức để hội chẩn.
BS CKI.Kiều Minh Sơn, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch cho biết, kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị tràn máu màng ngoài tim, tràn máu màng phổi trái nhiều. Bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức, dùng thuốc giảm đau, bù dịch, chuẩn bị máu và chuyển gấp lên phòng mổ trong vòng 15 phút.
Theo BS Hoàng, với những trường hợp bệnh nặng như trên, bệnh viện luôn trong tư thế sẵn sàng, bỏ qua mọi thủ tục hành chính không cần thiết để cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân một cách nhanh nhất.
Thời điểm bệnh nhân đang ở phòng cấp cứu, ThS-BS Nguyễn Công Tiến, Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch đã ra trực và đang ở nhà. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được điện thoại của đồng nghiệp về việc cần mổ gấp cho bệnh nhân, BS Tiến đã tức tốc chạy vào bệnh viện, sẵn sàng cùng ê kíp tiến hành ca mổ trong đêm.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân H.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân H.
Mổ nhanh, chính xác
Tại phòng mổ, ê kíp phẫu thuật Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch và Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành mở ngực đường giữa xương ức của bệnh nhân, vào trong màng ngoài tim thấy có rất nhiều máu. Có 1 vết đâm ở thành bên thất trái khoảng 2cm đang phun máu tươi, tràn máu màng phổi.
Các bác sĩ lập tức khâu vết thương tim cho bệnh nhân. Cùng lúc này, bác sĩ phát hiện có vết thương thấu phổi trái nên tiến hành khâu luôn vết thương phổi, lấy ra khoảng 2,5 lít máu đông trong phổi và màng ngoài tim (khoảng ½ lượng máu trong cơ thể). Cuối cùng là đóng ngực cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tổng cộng 8 đơn vị máu, chế phẩm của máu.
ThS-BS.Nguyễn Công Tiến, Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch cho hay, đây là ca bệnh rất khó vì vết thương ở thất trái rất nguy hiểm, hiếm gặp, bệnh nhân bị mất quá nhiều máu, đã vào sốc, vị trí vết thương rộng. Do đó, ê kíp phẫu thuật phải thực hiện ca phẫu thuật thật nhanh và chính xác. Bởi nếu chậm trễ, bệnh nhân bị mất máu nhiều dẫn đến thiếu máu, ngưng tim, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ cho biết, cuộc mổ diễn ra trong vòng 60 phút. Riêng thời gian từ lúc mở ngực bệnh nhân, tiếp cận vết thương và xử lý vết thương là 15 phút.
Anh N.V.H., cho hay, lúc bị đâm, anh ngất xỉu tại chỗ và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình anh rất lo lắng và không nghĩ rằng anh có thể qua khỏi.
“Tôi thật sự rất biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tận tình cứu chữa cho tôi” - anh H. nói.
TS-BS.Võ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, chuyên ngành ngoại lồng ngực - tim mạch của bệnh viện phát triển mạnh. Nhiều bác sĩ trong khoa đã có thể tham gia mổ tim hở, thực hiện nhiều kỹ thuật liên quan đến điều trị các bệnh lý về tim mạch, trong đó có vết thương tim.
Đối với những trường hợp như anh H., thời gian cấp cứu cực kỳ quan trọng. Nếu chậm trễ, vết thương chảy nhiều máu, bệnh nhân bị mất máu sẽ có nguy cơ tử vong cao.