Đồng Nai có số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đông đảo, trải rộng khắp nhiều địa phương với ngành nghề đa dạng, song theo đánh giá, giá trị sản xuất mang lại của CNNT của Đồng Nai còn ở mức thấp, trình độ công nghệ lạc hậu, cần được nâng cấp.
Những năm qua, công tác khuyến công của tỉnh đã được chú trọng đào tạo, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kinh phí thay đổi công nghệ nhằm nâng cao năng lực, tăng giá trị cho CNNT.
Hỗ trợ có chọn lọc
Cụ thể như: Cơ sở sản xuất hủ tiếu Hoàng Hằng, đóng tại xã Gia Tân, huyện Thống Nhất từ năm 2018 đã tự làm mới mình bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ. Sang năm 2019, cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, cơ sở này tiếp tục đầu tư 2 tỷ đồng đưa vào dây chuyền sản xuất hủ tiếu mới. Hiện cơ sở Hoàng Hằng mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,5 tấn hủ tiếu. Từ thành công của việc triển khai đổi mới công nghệ, chủ cơ sở cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền đóng gói tự động và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn.
Tương tự là Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) hiện nay đã phát triển được trên 10 loại sản phẩm từ cây sen, góp phần tạo nên thương hiệu cho vùng sen Nhơn Trạch. Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ cơ sở cho hay, nhờ sự giúp đỡ của công tác khuyến công, sen Trường Phát đầu tư được máy móc mới và sắp tới sẽ nghiên cứu để sản phẩm được đưa vào hệ thống các siêu thị.
Tuy nhiên, đối với đổi mới máy móc, công nghệ như trên, không phải Doanh nghiệp, cơ sở nào cũng được hỗ trợ mà phải có sự chọn lọc. Doanh nghiệp trước khi xây dựng đề án sẽ được khảo sát thật kỹ. Nguồn vốn hỗ trợ chọn lọc, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn, thực hiện trong các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục có thêm
ự hỗ trợ của Nhà nước
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung khẳng định: Trong năm 2020, công tác hỗ trợ sẽ được thực hiện tích cực về mọi mặt, nhất là hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ. Ngành công thương và công tác khuyến công sẽ chú trọng đến các cơ sở có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu, có nhiều lao động đạt danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng chất cho CNNT của Đồng Nai.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai nhìn nhận, các cơ sở CNNT trong tỉnh vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, sức cạnh tranh thấp. Trong bối cảnh phát triển của công nghệ hiện nay, cộng đồng DN, trong đó có DN thuộc lĩnh vực CNNT bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Chính vì vậy, trong các hoạt động khuyến công đã triển khai nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho cơ sở CNNT. Định hướng này nhằm mục đích khuyến khích các cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời giúp sản phẩm CNNT của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh về lâu dài.
Sự đồng hành của công tác khuyến công không chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ vốn mà còn trong hoạt động tư vấn, giúp cơ sở hạn chế rủi ro khi đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, định kỳ mỗi năm 1 lần, Sở Công thương đều tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, chọn ra các sản phẩm tiêu biểu nhất đăng ký sản phẩm quốc gia.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 162 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm được bình chọn ở cấp quốc gia, trong đó, riêng năm 2019 có 5 sản phẩm Đồng Nai đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia. Các sản phẩm CNNT được ghi nhận chủ yếu thuộc về các lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, cơ khí, kỹ thuật...
Nam Vũ