Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được thì sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững, cơ cấu kinh tế nông thôn nhất là các xã vùng sâu, vùng xa chuyển dịch chậm. chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh.Thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa thật sự ổn định. Đời sống của nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, thiếu ổn định, chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông thôn với thành thị còn cao. Đặc biệt, khu vực nông thôn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là giá nông sản.
Trên đây là đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tại hội nghị tổng kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Kế hoạch số 97 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hôm qua 10-7.
Tam nông có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 97, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định. Từ đó, tạo động lực phát triển cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là khá toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã giúp nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng Nai hiện đã hình thành nhiều vùng cây, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương như: xoài Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cà phê Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ; sầu riêng Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú… Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực tăng lên rõ rệt. “Sau 10 năm, năng suất bắp tăng hơn 29%, bưởi tăng 16%, hồ tiêu tăng gần 13%, xoài tăng gần 3%...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng chuyển dịch đúng hướng. Hiện Đồng Nai là địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước, đàn gà đứng thứ nhì cả nước. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng đã được hình thành và phát triển. Sản lượng thủy sản cũng tăng nhanh nhờ phát huy tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên phục vụ nuôi trồng. Năm 2017, sản lượng thủy sản đạt gần 57.000 tấn, tăng 1,6 lần so với năm 2008.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Thành Vinh đánh giá, khi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đồng Nai đã xác định trục xuyên suốt là xây dựng cánh đồng lớn kết hợp với chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 47 chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản được duy trì triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các hình thức sản xuất tập thể, gắn kết nông dân nhằm tạo ra sản phẩm tốt, sản lượng lớn cũng được chú trọng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 137 HTX nông nghiệp, hơn 2.300 trang trại và hơn 1. 000 tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao. “Những mô hình này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt kết quả cao”, ông Vinh khẳng định.
Bên cạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện tỉnh đã có 129/133 xã, chiếm 97% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 8 địa phương cấp huyện cũng đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đặc biệt, Đồng Nai cũng đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao nhằm đề ra những mục tiêu cao hơn cho các địa phương đã đạt chuẩn thực hiện. Đến nay, đã có 15 xã trên toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đang tập trung lập đề án xây dựng Xuân Lộc trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững theo sự lựa chọn của Trung ương.
Đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Kế hoạch 97, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, rõ nét. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2017 là hơn 4%, vượt mục tiêu đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số nông dân ở nông thôn được cải thiện rõ nét. Chất lượng cuộc sống được nâng lên với thu nhập bình quân của nông dân đến năm 2017 đạt trên 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008. Cùng với đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2017 (ước đạt trên 117,6 triệu đồng/ha/năm) cũng tăng 183% so với năm 2008. “Đặc biệt, kết cấu hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật ở khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho người dân nông thôn trong phát triển kinh tế cũng như đời sống”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, dù sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển, tuy nhiên vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản còn nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành cũng như gây ra khó khăn cho người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế.
Chính vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu bằng việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển. Đặc biệt, ngành sẽ đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. “Cùng với đẩy mạnh phát triển hàng hóa quy mô lớn, xây dựng các chuỗi liên kết thì ngành Nông nghiệp cũng sẽ hoàn thiện cơ chế dự báo thông tin, mở rộng thị trường nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản”, ông Vinh cho biết.
Đồng thuận với giải pháp trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhận định, giá nông sản đang là nguy cơ gây ra rủi ro lớn đối với khu vực nông thôn. Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Cùng với đó, phải cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi cung ứng nông sản thông qua mô hình cánh đồng lớn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, GlobalGAP gắn với công nghệ sơ chế, bảo quản. Cải tiến kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, dự báo thông tin thị trường.
Đặc biệt, theo Bí thư Tỉnh ủy, Đồng Nai sẽ hoàn thiện cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản. “Đồng Nai có đàn heo lớn nhất nước, đàn gà thứ nhì cả nước nhưng trên đất Đồng Nai chưa có một nhà máy chế biến thực phẩm tiêu thụ trong nước đối với mặt hàng gia cầm, gia súc. Tương tự, trái cây Đồng Nai nhiều đa dạng, phong phú nhưng cũng chưa có nhà máy chế biến xuất khẩu”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ rõ.
Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, thời gian tới, Đồng Nai sẽ dồn sức để đưa 2 địa phương cuối cùng là huyện Định Quán và Tân Phú về đích. Từ đó, phấn đấu đưa tỉnh trở thành địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Để đạt được điều này, ông Phạm Việt Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Sở sẽ tiếp tục phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các xã hoàn thành xây dựng NTM. Cùng với đó, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa khác tham gia xây dựng NTM cùng với nguồn vốn ngân sách.
171 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Kế hoạch số 97 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 61 tập thể và 110 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện 10 năm qua.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập