Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cẩm Mỹ đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp dựa vào thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương. Ðặc biệt, huyện đã đẩy mạnh xây dựng các dự án cánh đồng lớn, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho đông đảo nông dân.
Tạo sức bật từ các dự án cánh đồng lớn
Là người đã gắn bó với cây sầu riêng hàng chục năm qua, thế nhưng hơn 2 năm trở lại đây, ông Ðinh Văn Mong, ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa mới làm giàu được với loại cây trồng giá trị cao này. Gia đình ông Mong có 7 ha vườn chuyên trồng sầu riêng. Trước đây, do chủ yếu trồng các loại sầu riêng bản địa nên năng suất rất thấp, chỉ khoảng 10 tấn/ha. Ngoài ra, do chất lượng sản phẩm không cao cộng với thị trường tiêu thụ thất thường nên nguồn thu từ vườn sầu riêng cũng thấp và không ổn định.
Việc chuyển đổi sang sản xuất sầu riêng sạch đã giúp ông Đinh Văn Mong, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ nâng cao thu nhập.
Hơn 5 năm trước, hưởng ứng chủ trương phát triển cây trồng chủ lực trong chương trình xây dựng NTM của huyện Cẩm Mỹ, ông Mong đã mạnh dạn chuyển toàn bộ vườn sầu riêng của gia đình sang trồng các giống mới như: Ri6, Chín Hóa và sầu riêng hạt lép. Cùng với đó, từ nguồn hỗ trợ 30% của Nhà nước, ông cũng mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho toàn bộ vườn sầu riêng. Ngoài ra, ông Mong cũng là một trong những hộ tiên phong tại địa phương tham gia vào dự án sản xuất sầu riêng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2016, vườn sầu riêng giống mới của ông Mong bắt đầu cho thu hoạch. Hiệu quả từ việc chuyển đổi giống cũng như cách canh tác mới đã mang đến niềm vui cho người nông dân này. “So với các giống sầu riêng trước đây, vườn sầu riêng giống mới cho năng suất lên đến 25 - 30 tấn/ha. Ðặc biệt, do là sản phẩm “sạch” nên được doanh nghiệp bao tiêu hết chứ không còn bị các thương lái ép giá như trước”, ông Mong cho biết.
Cũng theo ông Mong, nhờ năng suất và chất lượng trái sầu riêng nâng cao so với trước đây nên nguồn thu của gia đình đã tăng đáng kể. Hiện, với khoảng 5 ha sầu riêng đã cho thu hoạch, mỗi vụ, ông Mong thu hơn 100 tấn sầu riêng và đều đặn có thu nhập hơn 4 tỷ đồng. “Hiện dự án cánh đồng lớn cho cây sầu riêng cũng đã được tỉnh phê duyệt. Ðây là điều chúng tôi mong đợi từ lâu. Với nông dân, canh tác khó thế nào chúng tôi cũng làm được, chỉ lo đầu ra. Giờ dự án này có sẵn doanh nghiệp bao tiêu nên chúng tôi rất yên tâm”, ông Mong chia sẻ.
Ðến nay, huyện Cẩm Mỹ có 8 dự án cánh đồng lớn đã được triển khai, chiếm 1/3 tổng dự án cánh đồng lớn của cả tỉnh. Trong đó, có 4 dự án trên cây cà phê, bắp, tiêu và sầu riêng đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Bước đầu, hiệu quả từ những dự án cánh đồng lớn này trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân đã được ghi nhận. “Trước đây, với 4 ha đất trồng bắp, mỗi năm gia đình tôi chỉ trồng được 3 vụ bắp bán hạt. Mỗi vụ, sau khi trừ mọi chi phí chỉ còn lời khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi tham gia dự án cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân để sản xuất thức ăn cho Công ty TNHH Sơn Thủy Hà, nhà tôi làm tăng thêm được 1 vụ. Lợi nhuận từ bán bắp lấy thân cũng cao hơn gấp đôi so với trồng bắp hạt trước đây”, chị Lê Thị Hiền, nông dân trồng bắp tại xã Xuân Ðông chia sẻ.
Với mục tiêu hàng đầu là nâng cao thu nhập bền vững cho đông đảo nông dân trong quá trình xây dựng NTM, huyện Cẩm Mỹ đã đẩy mạnh xây dựng các dự án cánh đồng lớn. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng, không chỉ khởi đầu hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa mà quan trọng hơn các dự án cánh đồng lớn đã giải quyết được “bài toán khó” trong tiêu thụ nông sản lâu nay. “Khi đã hình thành được các cánh đồng lớn với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp bao tiêu thì các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân. Người nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và có nguồn thu ổn định, bền vững hơn”, ông Thắng khẳng định.
Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần
Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt hơn 56 triệu đồng/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,7% đầu năm 2011 xuống còn 0,4% cuối năm 2017 và hiện chỉ còn 0,25%. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2017 đạt gần 131 triệu đồng/ha.
Chung tay làm đẹp quê hương
Cẩm Mỹ là địa phương được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc và TX. Long Khánh trước đây. Do đó, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Cẩm Mỹ là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp của tỉnh. Là huyện thuần nông nên thu nhập của người dân cũng không cao. Trong khi đó, để thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân, huyện cần nguồn lực rất lớn để đầu tư cho hạ tầng nông thôn. Từ khó khăn đó, Cẩm Mỹ đã xác định đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân là khâu đột phá. Bởi, chỉ khi người dân có thu nhập tốt hơn, nguồn lực trong dân mới được khơi thông để cùng chung tay với Nhà nước xây dựng NTM. Hướng đi này của Cẩm Mỹ trong thực tế xây dựng NTM đã được chứng minh là đúng đắn.
Trong hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Cẩm Mỹ đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp trên 11.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 46% tổng nguồn vốn đầu tư. Ðặc biệt, nhiều nông dân từ việc nhận thấy lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng NTM đã không ngần ngại góp tiền, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng. “ UBND xã cho biết đã vận động đủ kinh phí để nâng cấp con đường nhưng do thiếu đất nên tôi sẵn sàng hiến đất nhà để mở đường rộng hơn. Ðường rộng, đẹp không chỉ bà con trong xã đi lại thuận lợi mà gia đình tôi cũng được hưởng”, ông Phan Cổn, người đã hiến 3.000m2 đất để mở đường tại xã Xuân Bảo chia sẻ.
Sau hơn 6 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Cẩm Mỹ hiện đã có chuyển biến tích cực. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được tăng lên. Ðến nay, 100% đường huyện và đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện đã được nhựa hóa và bê tông hóa; đường trục ấp và đường ngõ xóm đều được cứng hóa, bê tông hóa. Ðiện lưới quốc gia đã phủ khắp các khu dân cư, khu sản xuất tập trung. Toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 33 trường học, với tổng kinh phí gần 448 tỷ đồng, trong đó có 33/62 trường đạt chuẩn quốc gia.
Sáng nay 20-4, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố huyện Cẩm Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng tại buổi lễ, sẽ diễn ra hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới năm 2017. Như vậy đến nay, toàn tỉnh đã có 8 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: huyện Xuân Lộc; TX. Long Khánh; các huyện: Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập