Hệ lụy sau ly hôn

Thứ năm - 26/06/2025 14:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​(CTT-Đồng Nai) - Để đẩy cuộc hôn nhân đến ngõ cụt và dẫn tới việc ly hôn là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, mỗi người cần phải luôn suy xét cẩn thận của sự được mất sau khi ly hôn bởi lẽ ngoài việc được giải thoát cho nhau vì không còn hạnh phúc thì ly hôn cũng để lại rất nhiều tổn thương và hệ lụy lớn. Trong đó, ngoài ảnh hưởng đến người trong cuộc thì những đứa trẻ cũng phải chịu tác động rất lớn. 

Thực tế cho thấy, phần lớn việc ly hôn gây ra các tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến nhiều người thân. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ly hôn chính là sự giải thoát cần thiết, là cách chấm dứt tổn thương để tự do phát triển bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những cặp vợ chồng do mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt nhưng không có kỹ năng xử lý khiến mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tạo thành những tấn bi kịch rất đau lòng.

Phó Chánh án TAND huyện Trảng Bom, thẩm phán Đinh Thị Bích Liễu chia sẻ, những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn tăng cao, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Qua thực tiễn cho thấy, nhiều cuộc hôn nhân kết thúc trong 5 năm đầu do xung đột không thể giải quyết. Nhiều người trẻ thiếu kiên nhẫn, thiếu kỹ năng trong giải quyết mâu thuẫn gia đình, thường chọn cách rời bỏ thay vì cùng nhau vượt qua. Ngoài ra, để lo kinh tế cho gia đình, cả vợ lẫn chồng phải ra ngoài làm việc nên bị áp lực khi vừa lo làm kinh tế, vừa chăm sóc con cái, nhà cửa…

Cũng theo thẩm phán Đinh Thị Bích Liễu, ly hôn đã gây ra nhiều bi kịch, trong đó có những vụ tranh giành tài sản, quyền nuôi con đã đẩy những đứa trẻ vào tình trạng bất an, tổn thương khiến trẻ tự hủy hoại mình. Đau lòng hơn khi có những cha mẹ già bị bỏ bê không ai phụng dưỡng, thậm chí có những ông bà lớn tuổi phải nuôi cháu nhỏ khi con đi bước nữa…

Cha mẹ ly hôn, người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa con. Gia đình tan vỡ, các con phải chịu tổn thương sâu sắc về tâm lý, tình cảm khi thiếu đi tình thương, sự quan tâm, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, anh em ruột thịt bị chia cắt. Chưa kể một số trường hợp trẻ bị đẩy vào bi kịch bị bạo hành, xâm hại tình dục khi sống với mẹ kế, cha dượng…, dẫn đến tổn thương, khiến nhận thức và nhân cách trẻ phát triển lệch lạc, dễ rơi vào cạm bẫy.

Tính từ tháng 4-2024 đến tháng 4-2025, Tòa án nhân dân 2 cấp tại Đồng Nai đã đưa ra xét xử hơn 80 vụ, hơn 220 bị cáo phạm tội là trẻ vị thành niên. Trong đó, có nhiều bị cáo là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn.

Tác giả: Minh Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây