(CTT-Đồng Nai) - Mặc dù có nhiều giải pháp phòng ngừa và đấu tranh được triển khai bởi các cơ quan chức năng và địa phương, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ án do các đối tượng rất trẻ, thậm chí là học sinh, gây ra. Thực trạng này đặt nặng trách nhiệm quản lý và giáo dục lên vai gia đình, nhà trường và xã hội.

Các đối tượng thanh, thiếu niên tham gia trong các vụ án bị công an bắt giữ. Ảnh: CTV
Các đối tượng thanh, thiếu niên tham gia trong các vụ án bị công an bắt giữ. Ảnh: CTV
Tuổi thiếu niên đã mang dao đi gây án
Trong các vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là những vụ xâm phạm trật tự xã hội như: ẩu đả, gây rối trật tự công cộng; tụ tập đua xe lạng lách, đánh võng; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... đã có không ít đối tượng còn ở lứa tuổi thiếu niên tham gia.
Gần nhất vào ngày 10-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Nguyễn Nhật Trường (18 tuổi), Nguyễn Tấn Lộc (17 tuổi), đều ngụ thành phố Biên Hòa) và Trần Trọng Quý (17 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Đặc biệt, tham gia trong nhóm gây rối nói trên, có 3 đối tượng khác mới chỉ 14, 15 tuổi. Theo cơ quan công an, 3 đối tượng còn nhỏ tuổi nên đã lập hồ sơ ban đầu, bàn giao cho gia đình quản lý, giáo dục.
Trước đó, ngày 6-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã tạm giữ nhóm 8 đối tượng tham gia vụ gây rối trật tự công cộng tại địa bàn huyện Trảng Bom.
Theo Công an tỉnh, phần lớn các đối tượng tham gia trong các vụ ẩu đả nói trên đều đã bỏ học, không có nghề nghiệp ổn định, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, thường tụ tập quậy phá.
Chú trọng công tác quản lý, giáo dục trẻ em
Từ kết quả điều tra các vụ án có đối tượng là thanh, thiếu niên, cơ quan công an đã phối hợp cùng gia đình và chính quyền địa phương để giáo dục, răn đe, hướng tới mục tiêu phòng ngừa. Để nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả, Công an tỉnh kêu gọi các bậc phụ huynh chủ động hơn nữa trong việc quản lý, giáo dục con cái. Đồng thời, các gia đình cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để định hướng lối sống đúng đắn, giúp các em tránh xa những cám dỗ của tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo ông Hồ Sĩ Tiến, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh, để quản lý và giáo dục học sinh, thanh thiếu niên hiệu quả, tránh xa tệ nạn xã hội, cần tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và tổ chức chính trị - xã hội. Ông đặc biệt lưu ý các gia đình cần hạn chế nuông chiều, thay vào đó hãy quan tâm, theo dõi, chia sẻ và kiểm soát thời gian sinh hoạt của con em, ngăn chặn việc tiếp xúc với các đối tượng xấu hay tham gia nhóm bạn vi phạm pháp luật. Cả nhà trường và gia đình đều cần chủ động phát hiện sớm học sinh cá biệt, chậm tiến để kịp thời giáo dục khi các em còn đang đi học.
Theo ông Hồ Sĩ Tiến, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, và chế tài xử lý các trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tại cơ sở. Cùng với đó, lực lượng công an cũng sẽ tăng cường tuần tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện hiệu quả công tác quản lý cư trú. Điều này giúp kịp thời phát hiện và xử lý các nhóm, đối tượng thanh thiếu niên từ nơi khác đến ẩn náu, hoặc có hành vi lôi kéo đối tượng tại địa bàn tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Để đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, ông Doãn Cao Sơn, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện KSND hai cấp. Ông cho rằng cần thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, kịp thời phân loại, thụ lý và giải quyết ngay từ giai đoạn đầu các vụ việc hình sự có dấu hiệu tội phạm do thanh thiếu niên thực hiện để đảm bảo xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Để nâng cao nhận thức pháp luật, Viện KSND hai cấp sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan và ban, ngành địa phương để tăng cường tuyên truyền pháp luật, bao gồm việc tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường học. Về phía gia đình, việc quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho con em ngay từ khi còn nhỏ là hết sức cần thiết. Nhà trường cũng không ngừng nâng cao công tác giáo dục pháp luật cho học sinh và phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, giúp các em phát triển một cách toàn diện nhất.