(CTT-Đồng Nai) - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, con cái có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm lo cha mẹ. Đây không chỉ là quy định pháp luật mà còn là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân (bên phải) tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: Quỳnh Thư
Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân (bên phải) tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: Quỳnh Thư
Chính vì vậy, một khi con cái trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Khi con cái thoái thác trách nhiệm
Bà P.T.M. (74 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) có 4 con nhưng khi bà bị bệnh, các con bỏ bê, không chăm sóc. Trong khi đó, bà H.T.K. (43 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) kể, sau khi chồng chết, bà đi bước nữa với người đàn ông khác (không có kết hôn). Nay bà bị bệnh tật (ung thư gan) không lao động được thì người đàn ông đó rời xa bà, không chăm sóc bà. Vì cuộc sống quá khó khăn, bà quay về sinh sống với các con ruột thì bị các con từ chối. Các con bà cho rằng, bà có chồng mới thì khi bệnh tật chồng mới của bà lo, con cái hết trách nhiệm.
Theo luật gia Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định, con cái có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm lo cha mẹ và ngược lại. Do đó, nếu con cái hoặc cha mẹ, vợ chồng ngược đãi nhau thì có thể bị chế tài bởi các quy định về hành chính, hình sự.
Trên cơ sở đó, luật gia Chu Văn Hiển hướng dẫn, với trường hợp của bà P.T.M. (thành phố Biên Hòa) thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà khi về già, bệnh tật thuộc trách nhiệm của 4 người con. Điều này được khoản 2, Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Nếu các con của bà P.T.M. không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm này thì bị chế tài theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Hoặc có thể bị chế tài theo Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt đến 2 năm tù.
Không phải vợ chồng thì không quy trách nhiệm
Cũng theo luật sư Chu Văn Hiển, còn với trường hợp của bà H.T.K. (43 tuổi, huyện Cẩm Mỹ) thì trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc bà thuộc về các con ruột của bà chứ không phải người mà bà sống chung như vợ chồng. Bởi vì khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không công nhận mối quan hệ sống chung giữa bà với người đàn ông này là vợ chồng nên nó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ vợ chồng giữa bà với người đàn ông đó. Do đó, việc người đàn ông đó từ chối nghĩa vụ chăm sóc bà khi bà bị bệnh tật là không trái với quy định pháp luật hiện hành.
“Nếu giữa bà và người đàn ông đó trong quá trình sống chung mà có tài sản chung thì pháp luật cho phép bà yêu cầu phân chia. Ngược lại, trong quá trình sống chung mà cả 2 không có tài sản chung thì khi chia tay hay bệnh tật, trách nhiệm chăm sóc bà thuộc về các con đẻ của bà” - luật gia Chu Văn Hiển bày tỏ.