(CTT-Đồng Nai) - Gia đình đổ vỡ, con cái là người thiệt thòi nhất khi phải thiếu đi tình thương của cha hoặc mẹ. Không chỉ thế nhiều em còn đang phải gánh chịu nỗi đau mang tên “con riêng” khi cha hoặc mẹ tái hôn hoặc có người tình mới.

Bé N.H.P.A. (ở thành phố Biên Hòa) bị người tình của vợ chém mấy nhát vào đầu mặt, khiến em phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bé N.H.P.A. (ở thành phố Biên Hòa) bị người tình của vợ chém mấy nhát vào đầu mặt, khiến em phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
* Khi con riêng là nơi trút giận
Vừa qua dư luận không khỏi phẫn nộ trước hành vi dã man của đối tượng N.V.B. (33 tuổi, ở trọ tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) khi người này chém con riêng của người tình hàng chục nhát khiến bé gái 16 tuổi tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do mâu thuẫn với người tình là chị P.T.U. (35 tuổi, mẹ nạn nhân), B. đã trút cơn giận lên con gái riêng của chị U.
Trước đó, cháu N.H.P.A. (13 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) đã phải nhập viện cấp cứu trong đêm vì bị người tình của mẹ là P.V.S. chém 3 nhát vào vùng đầu, mặt. Theo chia sẻ của cháu P.A., mẹ và người tình thường xuyên mâu thuẫn, cãi cọ. Hai người cự cãi lớn nên cháu P.A. chán nản bỏ vào phòng ngủ, nhưng bất ngờ đối tượng S. đã xông vào phòng dùng dao chém cháu P.A.
* Luôn quan tâm, bảo vệ con trẻ
Chia sẻ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, khi cha mẹ đi bước nữa, có những trẻ may mắn có cha dượng, mẹ kế thương yêu, chăm sóc, nhưng cũng có những trẻ phải chịu sự bạo hành về thể chất (đánh đập, bạo hành, xâm hại tình dục…) lẫn tinh thần (chửi mắng, chì chiết, cấm cản…). Thậm chí, trong một số vụ việc, khi trẻ bị bạo hành, cha mẹ ruột đều biết nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, dẫn đến hậu quả nặng nề.
Trong Kế hoạch số 236/KH-SVHTTDL ngày 23-1-2024 triển khai công tác phòng, chống BLGĐ năm 2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là vào tháng 6-2024 - Tháng Hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2024, đã tập trung và hướng tới thông điệp: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, để không còn BLGĐ.
Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, việc tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những khu nhà trọ lao động, có nhiều gia đình thay đổi chỗ ở thường xuyên; không ít trường hợp có mối quan hệ phức tạp khi không ít người tự ý sống với nhau như vợ chồng, mối quan hệ tình cảm trong gia đình nhiều dòng con dễ gây tranh cãi, cộng với bức bách về kinh tế, không kiềm chế được cảm xúc đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực tại các khu vực có nhiều nhà trọ, gia đình có mối quan hệ phức tạp.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết Điều 69, Điều 70 và Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định con riêng của vợ hoặc chồng cũng được coi là thành viên trong gia đình. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình. Cha dượng, mẹ kế thực hiện hành vi hành hạ, đánh đập con riêng sẽ phải chịu trách nhiệm theo các tội “xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình”. Tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.