(CTT-Đồng Nai) - Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân. Quyền này đã được quy định trong Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018.

Vị trí tranh chấp con rạch chung của các hộ dân ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Nhân Thái.
Vị trí tranh chấp con rạch chung của các hộ dân ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Nhân Thái.
Phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
3 hộ dân: N.V.N., H.M.T., N.H.Đ.B. (đều ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) phản ánh, xung quanh đất (tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) của họ trước kia có một con rạch chung được sử dụng để làm nguồn nước tưới. Do ông T.H.T. (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) tự ý san lấp một phần con rạch này, dẫn tới việc tưới và thoát nước mưa của các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng như: nước không có lối thoát gây ngập úng, việc san lấp gây hư hỏng đường, tường rào…
Sau khi thụ lý vấn đề 3 hộ dân phản ánh, UBND xã Tân Bình phản hồi rằng ông T.H.T. đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng các thửa đất trên vào năm 2023. Vào ngày 5-6-2024, ông T.H.T. tiến hành san lấp đất để cải tạo vườn. Do khu vực đất của ông T.H.T. có một vài khu vực bị trũng sâu, ứ nước so với khu vực xung quanh nên mới tiến hành san lấp để trồng trọt chứ không có việc lấn chiếm sông, suối, đường giao thông.
Nhận được sự phúc đáp từ chính quyền địa phương, các hộ dân không hài lòng, cho rằng chính quyền địa phương xử lý sự việc chưa đúng với bản chất thực tế, vấn đề họ phản ánh. Do đó, họ muốn tiếp tục phản ánh sự việc lên cấp cao hơn hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án.
Hay như sự việc của ông N.V.T.N. (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) phản ánh. Năm 2008, ông và 2 hộ dân V.V.T. và N.T.G.S. (ngụ cùng phường) ký hợp đồng chuyển nhượng với ông N.V.T. (xã Long Đức, huyện Long Thành) mỗi người 1 lô đất (việc chuyển nhượng được UBND xã Long Đức chứng thực). Khi ông N.V.T.N. và 2 hộ dân V.V.T. và N.T.G.S. có nhu cầu tách sổ riêng thì cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi và hủy sổ cũ mang tên ông N.V.T. để tiến hành làm thủ tục cấp cho từng người theo đúng quy định pháp luật.
Do quá trình tiến hành thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất nói trên có sự sai sót dẫn tới việc ông N.V.T. được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Sau đó, ông N.V.T. chuyển nhượng đất nói trên cho người khác, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các ông N.V.T.N., V.V.T. và N.T.G.S.
Có quyền khiếu nại hay khởi kiện
Về trường hợp của 3 hộ dân ngụ tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) và các ông: N.V.T.N., V.V.T., N.T.G.S. (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa), luật sư Lê Văn Bá (Đoàn luật sư tỉnh) hướng dẫn, nếu người dân có căn cứ cho rằng việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền không thỏa đáng, trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc cơ quan có thẩm quyền không giải quyết đơn của người dân thì người dân có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hoặc cơ quan đó. Trường hợp người dân không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người dân có quyền khiếu nại lần 2 đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện ra tòa án.
Ngoài ra, luật sư Lê Văn Bá cũng lưu ý, người dân cần nắm rõ các quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018 để thực hiện cho đúng, tránh gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng thẩm quyền.
Cụ thể, Luật Khiếu nại năm 2011 có quy định rất rõ, khiếu nại là việc công dân đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cũng theo Luật Khiếu nại năm 2011, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.