Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường tỉnh (nhất là khu vực các giao lộ) khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Trong đó, chủ yếu là các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đậu xe, kinh doanh buôn bán.

Đội thanh tra giao thông số 9 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) nhắc nhở các hộ dân sống dọc đường tỉnh 765 (H.Xuân Lộc) không đặt bảng hiệu lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Ảnh: Trúc Viên
Đội thanh tra giao thông số 9 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) nhắc nhở các hộ dân sống dọc đường tỉnh 765 (H.Xuân Lộc) không đặt bảng hiệu lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Ảnh: Trúc Viên
Tình trạng lấn đường còn phức tạp
Qua phản ánh của người dân sống tại một số khu vực trên đường tỉnh 769 (các vị trí gần ngã tư Lộc An, H.Long Thành và ngã tư Dầu Giây, H.Thống Nhất), đường tỉnh 765 (ngã ba Suối Cát, H.Xuân Lộc), đường tỉnh 764 (ngã tư Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), đường tỉnh 767 (từ ngã ba Trị An hướng H.Vĩnh Cửu), đường tỉnh 768 (đoạn qua xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu)… ở các điểm này thường xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường.
Lý do được người dân đưa ra là vì những khu vực trên tập trung đông dân cư, gần những khu, cụm công nghiệp, các chợ lớn… nên các hộ dân ven đường đặt vật liệu xây dựng, bảng hiệu, bảng quảng cáo, bàn ghế… để kinh doanh, buôn bán. Thậm chí còn họp chợ tự phát ngay vào giờ tan tầm buổi chiều, khi công nhân tan ca. Chính vì vậy, các tuyến đường tỉnh nêu trên vốn đã nhỏ (có từ 1-2 làn xe mỗi bên, bề ngang đường 8-15m) lại càng bị thu hẹp, phương tiện qua lại rất khó khăn.
Ngoài ra, các đoạn đường tỉnh vừa nêu đều giao với các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51. Điển hình như ngã ba Trị An (đường tỉnh 767 với quốc lộ 1), ngã tư Lộc An (đường tỉnh 769 và quốc lộ 51), ngã ba Suối Cát (đường tỉnh 765 và quốc lộ 1) nên người và xe qua lại các ngã ba này vốn rất đông đúc. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở khu vực gần giao lộ trên khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, các phương tiện nhỏ hơn phải “dạt” ra giữa đường…, rất dễ va chạm với xe ô tô dẫn đến tai nạn giao thông.
Không để tái diễn
Để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ nêu trên, các đội thanh tra giao thông (Sở GT-VT) phụ trách 11 địa phương trong tỉnh đã thường xuyên kiểm tra; đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương cấp xã nhắc nhở, xử lý các cá nhân, tập thể có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Theo báo cáo của Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) qua 9 tháng của năm 2022, có 700 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường bị giải tỏa, nhắc nhở; 10 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ bị thanh tra giao thông xử phạt với số tiền hơn 101 triệu đồng.
Đại diện Đội Thanh tra giao thông số 9 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) phụ trách 2 huyện: Xuân Lộc và Cẩm Mỹ cho hay, Đội thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân khu vực ngã ba Suối Cát, ngã tư Sông Ray cũng như dọc tuyến đường tỉnh 764, 765 không đặt các loại xe đẩy bán hàng, bảng hiệu ra vỉa hè, lòng đường, trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.
Ông Bùi Viết Trình, Phó chủ tịch UBND xã Lộc An (H.Long Thành) nói thêm, lực lượng chức năng của địa phương thường xuyên tổ chức ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên các tuyến đường lân cận hướng ra ngã tư Lộc An. Đây là khu vực để từ quốc lộ 51 ra, vào Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn nên lượng phương tiện rất đông. Việc ra quân xử lý tình trạng này cũng nhằm hạn chế việc các hộ kinh doanh ăn uống đặt biển báo lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Mặt khác, một số chính quyền địa phương nhận định, việc phối hợp giải tỏa hành lang an toàn đường bộ còn khó khăn, khi lực lượng kiểm tra vừa đi khỏi là người dân lại bày bảng hiệu, vật liệu xây dựng ra vỉa hè, lòng đường. Thậm chí tịch thu bảng hiệu, bàn ghế thì vài ngày sau mọi việc vẫn tiếp diễn. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên đòi hỏi phải có biện pháp cứng rắn hơn như: thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm lòng, lề đường…