Hiệu quả tích cực từ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn

Thứ tư - 15/05/2024 15:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Theo đánh giá của Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với việc lái xe đang phát huy hiệu quả trong đảm bảo ATGT, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Cụ thể, trong năm 2023, qua thống kê, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25%; số người chết giảm 50%; số người bị thương giảm 22% so với năm 2022.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 51
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 51

Giảm số tai nạn liên quan tới rượu, bia
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn để người dân chấp hành nghiêm quy định: đã uống rượu, bia thì không lái xe. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, sức khỏe mỗi người khác nhau nên phản ứng với việc uống rượu, bia sẽ khác nhau. Nếu quy định nồng độ cồn trong máu bằng 0 thì người lái xe sẽ không uống; còn khi cho phép ở mức độ nào đó, người lái xe có thể sẽ gặp tình huống…ỷ lại. Vì vậy, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm người hành vi đã uống rượu, bia vẫn lái xe là rất cần thiết.

Hiện mức phạt cho người đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe đang rất cao. Cụ thể Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở, người điều khiển xe máy sẽ phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và người lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.

Xử lý vi phạm theo phương châm “3 không”
Hiện nay, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn. Việc kiểm soát xử lý vi phạm được theo phương châm 3 không là: “không vùng cấm - không ngoại lệ - không ngày nghỉ”. Qua đó nhằm tạo thói quen tốt cho người dân để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của mọi người.

Việc này được triển khai rộng rãi trên các tuyến giao thông trọng điểm, ở cả 11 địa phương trong toàn tỉnh. Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương cũng có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để nâng cao ý thức của cán bộ, người dân khi tham gia giao thông.

Tại thành phố Biên Hòa, ngoài việc ra quân xử lý những trường hợp vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn đẩy mạnh tuyên truyền để qua đó giúp người dân chấp hành nghiêm quy định về ATGT. Còn tại huyện Long Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn đã đề nghị trong công tác tuần tra kiểm soát, ngoài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT thì lực lượng CSGT còn phải thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về ATGT.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây