Nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử

Thứ ba - 23/04/2019 21:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

44 năm đã qua nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt của quân và dân ta để có được ngày 30-4 toàn thắng vẫn còn in đậm trong tâm trí những người chiến sĩ năm xưa. Ký ức chiến trường hiển hiện đầy ắp những cảm xúc khó tả, đau thương và quả cảm, tất cả đã góp phần ghi mốc son chói lọi vào trang sử hào hùng của đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc.​

Bản hùng ca toàn thắng

Từ ngày 2 đến ngày 15 rồi 25-4-1975, là những ngày đại quân ta ào ào tiến công thần tốc, thắng như chẻ tre… ngày càng tiến gần tới Sài Gòn. Trong đội hình Đoàn 232 do Trung tướng Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ huy, Sư đoàn 5 bộ binh, Tiểu đoàn 27 trinh sát chúng tôi lập tức được lệnh chuyển hướng chiến dịch từ Tây Bắc Sài Gòn vòng xuống phía Nam đánh sau lưng sào huyệt kẻ thù. Nhiệm vụ ban đầu của sư đoàn là giải phóng thị xã Tân An, chốt chặn quốc lộ 4 chia cắt chiến trường Sài Gòn với miền Tây Nam bộ. Khi thời cơ đến, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, từ hướng Tây và Tây Nam, Đoàn 232 chủ lực miền gồm các sư đoàn 3, 5, 9 và 4 trung đoàn độc lập, 1 trung đoàn đặc công, tăng cường 1 tiểu đoàn tăng T54, 1 tiểu đoàn pháo 130mm, 1 trung đoàn phòng không, cùng với Sư đoàn 8, Quân khu 8 và lực lượng vũ trang địa phương có nhiệm vụ giải phóng thị xã Tân An, cắt đứt quốc lộ 4, tiêu diệt căn cứ Bến Lức, tiến vào Sài Gòn với mục tiêu đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Biệt khu thủ đô.

Chuyển hướng chiến dịch khi thời cơ đến nhưng ngặt nỗi đơn vị phải bí mật, bất ngờ chuyển toàn bộ binh lực, hỏa lực trên sông nước, chuẩn bị đánh vào nơi quân địch còn rất mạnh, nơi địch đang phòng thủ kiên cố. Vì vậy chiến trường lúc ấy rất ác liệt. Có trận quân ta bị thiệt hại nặng. Trong đội hình đơn vị, đại đội trinh sát do tôi (Chính trị viên đại đội) chỉ huy, có nhiệm vụ bám, nắm và đánh chặn địch giữ vững hơn 2km bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp từ hướng Đông lên ngã ba Vàm Thủ để sư đoàn tiếp cận an toàn đánh vào thị xã Tân An, cắt đứt lộ 4. Chỉ với trên 30 tay súng trong hơn một tháng trời, tổ đã kiên cường bám trụ, nắm địch và tổ chức đánh thắng địch từng trận nhỏ, giành nhau với địch từng đoạn kênh để sư đoàn hoàn thành mục tiêu chiến dịch. Từ trong gian khổ ác liệt, nhưng lạ thay niềm tin và khí thế chiến thắng vẫn sáng vằng vặc như trăng trên đầu…


 Quân giải phóng làm chủ, áp giải tù binh tại Tiểu khu Long Khánh ngày 21-4-1975.

Ngay từ ngày 29-3, sau khi giải phóng Đà Nẵng, đối phương nhận định ta phải mất 2 tháng làm công tác chuẩn bị và 6 tháng mới có mặt ở Sài Gòn. Thế nhưng chỉ trong vòng 30 ngày, Sài Gòn đã hoàn toàn thất thủ.

Không thể nào quên…

Việt Nam là một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn yếu nhưng lại là một trong những dân tộc có tài thao lược quân sự kiệt xuất vào bậc nhất thế giới. Thế trận chiến tranh nhân dân thần kỳ và học thuyết về trận đánh quyết định của Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Hơn 50 ngày đêm chiến đấu “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch gồm hơn một triệu tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh và các căn cứ quân sự của chúng. Đập tan bộ máy cai trị của địch, xóa bỏ ách thống trị và đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đúng như lời Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định nói với Tổng thống Dương Văn Minh: “Giữa chúng ta, không có kẻ thắng người thua, mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ ”. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân giải phóng chỉ tập trung tiêu diệt những mục tiêu trọng yếu, những lực lượng ngoan cố chống cự. Hàng chục vạn tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính, quan chức cấp cao ngụy quyền không những không bị “tắm máu” mà được khoan hồng, cải tạo trở về với cuộc sống. Tất cả các đô thị miền Nam nhất là Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn đều không bị đổ nát, giữ hầu như được nguyên vẹn. Chính những điều này đã làm nên “Xuân 1975, bản hùng ca toàn thắng”, bắt nguồn từ nền văn hóa “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của một dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, một quân đội anh hùng, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của một Đảng đã thiết lập được thể chế chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân; không có mục đích nào khác ngoài hết lòng phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, xây đắp tình hữu nghị với các nước, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ; góp phần bảo vệ hòa bình và  tiến bộ xã hội trên thế giới.

44 năm qua, kể từ sau 30-4-1975, mặc dù đất nước ta vẫn phải trải qua cuộc chiến tranh biên giới, với những trận đánh khốc liệt ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đồng thời trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức về chính trị - kinh tế - xã hội nhưng về căn bản, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Để có được đất nước hòa bình, đang ngày một chuyển mình vươn lên khẳng định vị thế trên trường quốc tế, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, quân và dân ta mãi được thế hệ sau khắc nhớ. Tại quê hương Đồng Nai, hơn 800 anh hùng liệt sĩ Đoàn 10 đặc công đã nằm lại Rừng Sác. Máu xương của họ loang thấm trong từng gốc Đước, lắng nơi đáy sông Lòng Tàu để quê hương Nhơn Trạch hôm nay đổi thay từng ngày với những ngôi nhà, xí nghiệp, trường học… khang trang. Cùng với đó là 391 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968) bị kẻ thù vùi sâu trong một hố chôn tập thể ngay tại nội ô Biên Hòa và hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong trận Xuân Lộc, ngã 3 Dầu giây (tháng 4-1975) cùng biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trước ngày toàn thắng. Theo thống kê chưa đầy đủ ở Đồng Nai có 54.400 người có công với nước thuộc đối tượng hưởng chính sách. Trong đó hơn 11.700 liệt sĩ, 1.100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7.200 thương binh, bệnh binh. Đặc biệt có hơn 10.000 người, trong đó hàng ngàn cựu chiến binh với hàng chục ngàn con cháu của họ và người dân Đồng Nai bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Để có hôm nay, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước đang hướng đến kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xin được dâng nén tâm nhang với lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng.

Lê Văn Liên 

(Nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Chính trị viên Đại đội trinh sát Tiểu đoàn 27, Sư đoàn 5)

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây