(CTT-Đồng Nai) - Sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai luôn giữ và phát huy vai trò là dòng chủ lưu sáng tạo, liên tục điều chỉnh, bổ sung, khẳng định, bám sát với hiện thực đời sống xã hội của địa phương và đất nước.

Văn nghệ sĩ Đồng Nai tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2024
Văn nghệ sĩ Đồng Nai tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2024
Từ những năm 1975-1980 của thế kỷ trước, VHNT Đồng Nai chưa ra đời nhưng phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rất sôi nổi, các buổi diễn văn nghệ luôn thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Đây được xem là giai đoạn làm nền rất căn bản để văn nghệ sĩ Đồng Nai trưởng thành, có thể quy tụ, hội nhập làm nên nền VHNT Đồng Nai hôm nay.
Nhà văn Bùi Công Thuấn kể, ông may mắn có mặt ở Đồng Nai từ những ngày đầu hoạt động phong trào cho đến khi Hội VHNT Đồng Nai thành lập. Ở thời kỳ đầu, số lượng hội viên, người viết văn rất ít. Phải sau năm 1985, Đồng Nai mới xuất hiện nhiều tác giả trưởng thành từ trong kháng chiến ra như Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương; hay những nhà văn trưởng thành lên từ đổi mới như Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng… So với cả nước văn học của Đồng Nai phát triển mạnh, có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của VHNT Việt Nam.
Lấy ví dụ về số lượng hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua, nhà văn Bùi Công Thuấn cho biết, Đồng Nai có số lượng hội viên đông chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về tác giả đạt giải thưởng VHNT của Trung ương có nhiều nhà văn như: Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Trí, Nguyễn Một… Những giải thưởng đó khẳng định tài năng, giá trị của văn học Đồng Nai, vượt trội lên so với nhiều tỉnh, thành.
“Dòng chủ đạo chính của văn học Đồng Nai thời gian qua là cách mạng kháng chiến, đạt nhiều thành tựu to lớn, sau đó phát triển thêm văn học dân chủ nhân văn và văn học thiếu nhi. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến thơ ca… Đồng Nai đều có những cây bút tài năng. Chúng ta nhìn văn học Đồng Nai thì có thể nhìn ra văn học cả nước” - nhà văn Bùi Công Thuấn nói.
Đi qua chặng đường gần nữa thế kỷ, đồng hành cùng quê hương, đất nước với nền VHNT Việt Nam, nhà thơ Đỗ Minh Dương cho hay, sở dĩ VHNT tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, không ngừng quảng bá và lan tỏa trong và ngoài nước là bởi VHNT Đồng Nai luôn được địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ hoạt động. Ngoài ra, Đồng Nai là nơi hội tụ con người, tinh hoa văn hóa từ nhiều vùng quê trong cả nước, các hội viên được thừa hưởng truyền thống, tự mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình để lao động, sáng tạo nghệ thuật, xây dựng quê hương.
Trên lĩnh vực văn nghệ dân gian, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, nếu soi xét vào văn học, văn học dân gian Đồng Nai chỉ là một “góc” nhỏ trong sự phát triển chung. Phần ngữ văn dân gian lồng ghép trong kho tàng sử thi, truyện kể, các bản văn, văn cúng. Ở góc độ văn hóa, văn nghệ dân gian đóng góp nhiều hơn. Đã có nhiều công trình văn nghệ dân gian Đồng Nai được xuất bản, công bố, lan tỏa giá trị văn hóa Đồng Nai như: phong tục tập quán, truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng… đến với công chúng trong và ngoài tỉnh.
Với âm nhạc, sân khấu điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa của Đồng Nai phát triển mạnh mẽ trong dòng chảy VHNT Việt Nam 50 năm qua. Như chia sẻ của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, âm nhạc đã và đang góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai. Bởi đây là vùng đất có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa đặc sắc, là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng. Nhiều tác phẩm âm nhạc về Biên Hòa - Đồng Nai được ra đời, nói lên sức sáng tạo mãnh liệt, tài năng đáng trân trọng của các thế hệ nhạc sĩ Đồng Nai.

Hội viên Ban Văn nghệ dân gian Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nghiên cứu văn hóa dân gian tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú
Hội viên Ban Văn nghệ dân gian Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nghiên cứu văn hóa dân gian tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn bộc bạch: “Khó có thể kể hết những ca khúc viết về Đồng Nai trong gần 50 năm qua, nhưng rõ ràng nếu kết nối lại sẽ tạo nên một bức tranh bằng âm nhạc đầy ý nghĩa. Đây thực sự là một di sản âm nhạc quý giá của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại nói chung, Đồng Nai nói riêng mà không phải địa phương nào cũng có được”.