(CTT-Đồng Nai) - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 và Kế hoạch số 80-KH/UBND tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch.

Thành phố Biên Hòa bắn pháo hoa tầm thấp tại di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024
Thành phố Biên Hòa bắn pháo hoa tầm thấp tại di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024
Trong đó, đẩy mạnh trùng tu tôn tạo, xếp hạng di tích; triển khai nhiều dự án phát triển du lịch; bố trí đất và kinh phí xây dựng, sửa chữa nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, bổ sung ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên, kết hợp với các nguồn lực xã hội hóa, góp phần phục vụ Nhân dân.
Thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai bày tỏ sự phấn khởi bởi từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 đến nay, những giá trị văn hóa di sản ở Đồng Nai được quan tâm, chăm chút, thay đổi theo hướng tích cực. Từ công tác trùng tu, tôn tạo đến xếp hạng di tích, lập hồ sơ khoa học di sản phi vật thể... Hiện, toàn tỉnh có 71 di tích xếp hạng và nhiều di tích phổ thông được kiểm kê. Điều đó chứng tỏ Nghị quyết số 12 đi vào cuộc sống, được xã hội quan tâm.
“Trên cơ sở xếp hạng giúp chúng ta nhận ra được giá trị của di tích. Tuy nhiên, bước tiếp theo phải làm gì, làm như thế nào để lan tỏa được trong Nhân dân bằng hệ thống thông tin truyền thông? Muốn bảo tồn di sản trên địa bàn tỉnh cần phải có điều tra thống kê cụ thể về di tích, có cơ chế chính sách để đưa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đến gần hơn với công chúng, phục vụ nhu cầu của cộng đồng” - thạc sĩ Trần Quang Toại nói.
Lấy ví dụ về những bài thuốc dân gian trong vùng đồng bào dân tộc, thạc sĩ Trần Quang Toại cho rằng, Bảo tàng Đồng Nai và các đơn vị liên quan đến nghiên cứu y dược học cần phối hợp với nhau để phân tích, đánh giá lâm sàng. Có như vậy mới nhìn thấy được giá trị các bài thuốc, phát huy nó trong đời sống hàng ngày. Đó chính là phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của Biên Hòa - Đồng Nai.
Là địa phương vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, huyện Định Quán đã dự toán xây dựng công viên văn hóa với kinh phí 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bổ sung nguồn vốn xây dựng 2 nhà văn hóa dân tộc với nguồn vốn 26 tỷ, sửa chữa và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Đặc biệt, địa phương huy động nguồn xã hội hóa kết dư đầu tư dụng cụ thể dục thể thao, trò chơi thiếu nhi với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
Hay tại huyện Long Thành đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn xây mới 3 Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng xã và 7 nhà văn hóa ấp với số tiền khoảng 56 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp, trang bị dụng cụ thể dục thể thao và trò chơi thiếu nhi. Đặc biệt, tại nhà văn hóa các ấp và công viên khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được đầu tư với kinh phí 830 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương chú trọng nguồn lực xã hội hóa với số tiền 300 triệu đồng để tổ chức các hoạt động tại các thiết chế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, nhằm hướng đến phát triển toàn diện, hiệu quả các không gian văn hóa công cộng xứng tầm với vị thế hiện có và sự phát triển trong tương lai, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển thêm nhiều không gian văn hóa công cộng với công viên, cây xanh, mặt nước và các tuyến phố đi bộ an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Các không gian văn hóa này đã và đang hoạt động sôi nổi, trở nên quen thuộc, gần gũi hơn khi tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, thể thao để cộng đồng cùng tham gia.
“Tại các công viên Biên Hùng, Nguyễn Văn Trị, Dương Tử Giang… thành phố Biên Hòa đã tích cực triển khai cải tạo, đa dạng các hoạt động. Nhiều người dân, nhất là những người trẻ thích thú với những nét mới được tạo nên ở các không gian này. Điều này góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị, mang tới những lợi ích cho cộng đồng, tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật, xây dựng không gian xanh, bảo vệ môi trường sống” - ông Thanh chia sẻ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, thời gian qua thành phố Biên Hòa đã được bổ sung kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với khoảng 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí để tổ chức hoạt động thể dục thể thao khoảng 800 triệu đồng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bổ sung khoảng 500 triệu đồng.