(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, đã triển khai nhiều biện pháp chống ô nhiễm môi trường. Dù vậy, tình trạng ô nhiễm ở một số nơi vẫn xuất hiện. Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo môi trường một công ty trong KCN Biên Hòa 2
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo môi trường một công ty trong KCN Biên Hòa 2
Ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh về tổng rà soát, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương đã đồng loạt vào cuộc kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường.
Trong đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với công an các xã, phường, thị trấn triển khai đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn tỉnh. Qua quá trình rà soát và điều tra, lực lượng trinh sát đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm môi trường.
Điển hình, vào ngày 16-5, từ phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh và điều tra nguyên nhân nước thải ở suối Bà Lúa (đoạn chảy qua phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) sủi bọt trắng xóa. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước thải và truy tìm nguồn thải quanh khu vực này.
Trước đó, cuối tháng 2-2025, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kết luận thanh tra, trong đó xác định một công ty (đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) có một số vi phạm về môi trường như tái sử dụng nước không đảm bảo quy định, báo cáo công tác bảo vệ môi trường không đầy đủ. Công ty đã được yêu cầu khắc phục những tồn tại này. Đặc biệt, vào cuối năm 2024, tại địa bàn huyện Xuân Lộc, lực lượng công an đã phát hiện và bắt quả tang một vụ đổ trộm gần 3 tấn chất thải ra môi trường tại xã Xuân Hiệp, đồng thời đã lập hồ sơ xử lý một số người có liên quan.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn dai dẳng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là công tác nắm tình hình, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và công tác phối hợp xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa thực sự sâu sát và quyết liệt. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường chưa đồng bộ, chưa toàn diện, thiếu triệt để, chưa tạo được sự chuyển biến có chiều sâu và bền vững trên các lĩnh vực, địa bàn.
Tập trung xử lý các vi phạm về môi trường
Trước thực trạng các vi phạm về môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Vào ngày 13-5-2025, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 5642/UBND-KTN, tổng rà soát, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo chỉ đạo từ Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương tập trung rà soát, lập danh sách chi tiết, phân loại và đánh giá mức độ ô nhiễm đối với mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm, cũng như các dự án, khu vực, địa điểm tiềm ẩn tác động xấu đến môi trường. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành kiểm tra hoặc báo cáo đề xuất cơ quan cấp trên thanh tra, kiểm tra ngay đối với những trường hợp có đủ căn cứ xác định dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, các đơn vị cần phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh mọi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian tới sẽ phối hợp đồng bộ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để triển khai hiệu quả các giải pháp, hoạt động bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý. Sở sẽ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường, thẩm định cấp giấy phép môi trường; tăng cường phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu và các sự cố môi trường. Trọng tâm là tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, nguồn ô nhiễm từ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức thực hiện hiệu quả đợt tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Lực lượng công an chủ động nắm tình hình, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; đồng thời, sẽ điều tra, xác minh, xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu tội phạm về môi trường với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhằm tạo ra sự “răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Riêng Phòng Cảnh sát kinh tế sẽ tập trung lực lượng, phương tiện để phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường và xử lý triệt để các cơ sở, địa điểm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.