Đồng Nai là một trong những tỉnh thực hiện đạt kết quả tốt các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên các lĩnh vực như tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM); xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn thì những năm qua tỉnh có những bước tiến bộ vượt bậc. Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) trên địa bàn tỉnh cuối tuần qua.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Tạo động lực mới cho sản xuất nông nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định. Từ đó tạo động lực phát triển cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Đồng Nai đã thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, qua đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. “Giá trị sản xuất nông nghiệp hiện đã tăng lên rất lớn, đạt mức hơn 37.000 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, khi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đồng Nai đã xác định trục xuyên suốt là xây dựng mô hình cánh đồng lớn kết hợp với chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Từ đó, tỉnh đã xây dựng các chính sách cụ thể nhằm thu hút, hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp tham gia. Hiện toàn tỉnh có 33 dự án cánh đồng lớn, trong đó có 18 dự án đã được phê duyệt thực hiện. Tại các dự án này, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã mang lại kết quả rõ rệt. Ngoài liên kết theo chuỗi, Đồng Nai còn phát triển nhanh các hình thức sản xuất tập thể, gắn kết nông dân nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng với quy mô sản lượng ngày càng lớn. Toàn tỉnh hiện có 137 HTX nông nghiệp, hơn 2.300 trang trại và hơn 1. 000 tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao. “Những mô hình này đã góp phần giúp cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp diễn ra thuận lợi hơn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết thêm.
Bên cạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Hiện tỉnh đã có 129/133 xã , chiếm 97% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, 8 địa phương cấp huyện cũng đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Trong năm 2018, Đồng Nai sẽ phấn đấu đưa 4 xã và 3 địa phương cấp huyện còn lại đạt chuẩn để hoàn thành xây dựng NTM trên toàn tỉnh”.
Đặc biệt, Đồng Nai cũng đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao nhằm đề ra những mục tiêu cao hơn cho các địa phương đã đạt chuẩn thực hiện. Đến nay đã có 15 xã trên toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, Đồng Nai cũng đang tập trung lập đề án xây dựng Xuân Lôc trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững theo tiêu chí và lựa chọn của Trung ương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, xác định việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đơn thuần chỉ là xây dựng NTM mà còn liên quan đến toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đời sống đông đảo nông dân nên Đồng Nai đã rất quan tâm thực hiện. Dù là tỉnh công nghiệp nhưng với hơn 50% dân số sống ở vùng nông thôn, 30% lao động trực tiếp hoạt động trong ngành Nông nghiệp nên tỉnh đã dành rất nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, từ năm 1995, Đồng Nai đã hoàn thành đưa điện đến 171 xã, phường, thị trấn để tạo động lực phát triển. “Từ thời điểm đó, Đồng Nai còn cho cơ chế phụ thu tiền điện ở vùng đô thị để đầu tư về lại nông thôn. Chương trình xây dựng NTM cũng vậy, trước khi có Nghị quyết Trung ương, tỉnh cũng đã có chương trình nông thôn 4 có”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề thị trường
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, dù sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đã có những kết quả khả quan nhưng những năm gần đây tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá vẫn diễn ra”. Nguyên nhân là do thiếu thị trường tiêu thụ. Do đó Đồng Nai đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ trong việc định hướng và mở ra các thị trường mới cho nông sản. Cùng với đó là giúp đỡ về công tác thông tin thị trường, xây dựng các chương trình phát triến sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, đồng nhất phục vụ xuất khẩu.
Đưa Đồng Nai thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao
Trước những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Đồng Nai là một trong những tỉnh thực hiện đạt kết quả tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết. Đặc biệt, Đồng Nai đã xác định đúng nhóm trụ cột, những sản phẩm chính để từ đó cơ cấu lại theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế. “Hiện tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm hơn một nửa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Việc tái cơ cấu hướng giá trị vào ngành chăn nuôi là đúng, bởi giá trị khu vực chăn nuôi bao giờ cũng cao hơn trồng trọt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cùng các trang trại, HTX, tổ hợp tác cũng là một hướng đi đúng mà Đồng Nai đã lựa chọn. Bởi theo Bộ trưởng, đây là những thành tố chính của lực lượng sản xuất lớn sau này, thay thế dần cho việc sản xuất nhỏ lẻ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đánh giá cao quá trình và kết quả Chương trình xây dựng NTM của Đồng Nai. Theo Bộ trưởng, mục tiêu Nghị quyết 26 đến năm 2020 toàn quốc phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn. Khả năng đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nhưng Đồng Nai theo dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh. “Như vậy, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên về đích nhóm 19 tiêu chí trên phạm vi toàn tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đánh giá cao những thành tích đã đạt được của tỉnh, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai cần quan tâm phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xu thế mới đòi hỏi ngành Nông nghiệp cũng phải thay đổi theo hướng phát triển hiện đại, chú trọng chất lượng, nâng cao giá trị. “Đồng Nai phải trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao chứ không phải là ứng dụng nữa. Không chỉ sản xuất thương mại mà Đồng Nai cần đầu tư phát triển giống, quy trình sản xuất, công nghệ để trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm sản xuất giống, quy trình, công nghệ để từ đây xuất khẩu đi nơi khác”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Nông nghiệp, nông thôn là “vùng tiềm năng”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc dành nguồn lực quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đồng Nai là rất phù hợp với quan điểm của Đảng nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ. Bởi, dù tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 5,6% cơ cấu giá trị nền kinh tế nhưng Đồng Nai vẫn còn 52% dân số vẫn sống ở nông thôn. Do đó, theo Bộ trưởng, ngoài là trách nhiệm thì việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn là đầu tư cho “vùng tiềm năng”.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập