Cử tri quan tâm vấn đề vĩ mô của đất nước là điều đáng mừng

Thứ sáu - 22/06/2018 00:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 20-6, các đại biểu Quốc hội (ÐBQH) gồm: ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Dương Trung Quốc, Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay; ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH tỉnh; bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh đã có các buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tại huyện Long Thành và TP. Biên Hòa.​

Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh và địa phương.

Từ những vấn đề vĩ mô...

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã quan tâm đề cập nhiều vấn đề quan trọng, mang tầm vĩ mô của đất nước. Trong đó có dự án luật vừa được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật An ninh mạng và việc thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự thảo Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Ðặc khu). 


 Các ĐBQH tham gia tiếp xúc cử tri TP. Biên Hòa.

Liên quan đến dự thảo Luật Ðặc khu, cử tri Nguyễn Thành Long, ấp An Hòa, xã Hóa An bày tỏ ông rất bức xúc và không đồng tình với một số cá nhân lợi dụng lòng yêu nước của công nhân và nhân dân lao động để gây rối, xúi giục, kích động người khác làm mất an ninh trật tự công cộng.

Về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng: việc cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề, sự kiện ở tầm vĩ mô của quốc gia là tín hiệu đáng mừng. Ðiều này thể hiện sự quan tâm, quyền, trách nhiệm của công dân với đất nước. Liên quan đến dự thảo Luật Ðặc khu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đây là vấn đề lớn đã được nghiên cứu rất lâu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta đã nghiên cứu việc xây dựng đặc khu từ nhiều năm trước, nay cụ thể hóa thành luật. Mục đích của luật này là tạo ra những đột phá về công nghệ, quản lý; tạo động lực phát huy lợi thế của địa phương, của khu vực và đất nước. Doanh nghiệp muốn vào đặc khu phải có dự án, chứng minh được năng lực tài chính và công nghệ, được Nhà nước, chính quyền địa phương xem xét từng dự án, không có chuyện cho một nước nào đó thuê đặc khu.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, do đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nên ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau. Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ÐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật này theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. 

Ðồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi việc thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh, cử tri và nhân dân cả nước cần tỉnh táo và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Không nghe theo kẻ xấu làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao, nhiều cử tri lo ngại quyền sử dụng internet của họ sẽ bị ảnh hưởng. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Luật An ninh mạng ra đời là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng. Bởi trên thực tế, có rất nhiều hành vi vi phạm như nói xấu, thông tin sai sự thật trên mạng nhưng các quy định xử phạt chưa chặt chẽ. Luật này sẽ tạo ra cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Luật không cấm mọi người truy cập vào mạng, bày tỏ quan điểm cá nhân. Cũng không có chuyện ban hành Luật An ninh mạng thì các ứng dụng như Youtube, Facebook… sẽ rời bỏ thị trường khoảng 60 triệu người dùng internet Việt Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, xung quanh Luật An ninh mạng đã có tài liệu 28 câu hỏi - đáp vừa được phát hành ngày 19-6 giúp người dân dễ nắm bắt hơn. Do đó, chính quyền và đoàn thể các cấp cần tăng cường công tác truyền thông để cử tri và nhân dân hiểu đúng, vững tâm trước những thông tin sai sự thật, tạo sự đồng thuận của nhân dân với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

...Đến đời sống dân sinh

Bên cạnh các vấn đề vĩ mô, cử tri cũng quan tâm kiến nghị các vấn đề dân sinh, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân địa phương. Cử tri xã Tam An kiến nghị tỉnh làm việc với chủ đầu tư cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sớm triển khai đường dân sinh cho người dân. Bởi từ khi cao tốc đưa vào khai thác, lối đi của người dân bị bít lại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản của người dân. Cũng tại xã Tam An, cử tri mong mong muốn tỉnh, huyện quan tâm đốc thúc chủ đầu tư sớm triển khai dự án Khu công nghệ cao Amata. Trường hợp không triển khai hoặc điều chỉnh quy mô dự án phải có thông báo để người dân an tâm trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa.

Các vấn đề dân sinh khác như hệ thống thoát nước trên đường hai bên suối Nước Trong, giá thu gom rác thải ở Long Thành còn cao; giá cả đất đai tăng mạnh trong thời gian qua gây khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, công nhân có nhu cầu mua đất xây nhà; công tác đền bù tái định cư còn chậm, việc thực hiện chính sách cho người có công… Ðáng chú ý, tại các buổi tiếp xúc đã ghi nhận nhiều ý kiến của người dân về trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.

Trước những kiến nghị của cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh và lãnh đạo huyện Long Thành và TP. Biên Hòa đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền mà người dân quan tâm.

Tại các buổi tiếp xúc với cử tri huyện Long Thành và TP. Biên Hòa, thay mặt các vị ÐBQH, đại biểu Võ Văn Thưởng cảm ơn, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ðồng thời cho rằng, Ðồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế, số lượng các dự án, các quy hoạch liên quan đến hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, nhà ở của tỉnh, của Trung ương rất nhiều. Tuy nhiên, cùng lúc không thể thực hiện được tất cả và cũng có những dự án phải dừng do không còn phù hợp. Trách nhiệm của tỉnh là phải thường xuyên rà soát lại các dự án, làm việc với chủ đầu tư. Những dự án đang và sắp triển khai phải đảm bảo bồi thường hợp lý hoặc bố trí tái định cư cho người dân. Trường hợp dự án “treo” quá lâu, dự án không còn phù hợp kiên quyết thu hồi và thông báo rộng rãi cho người dân biết, ổn định cuộc sống. Ðặc biệt là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp xúc, giải quyết các kiến nghị của cử tri nhằm hạn chế bức xúc kéo dài của người dân.

Báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, kỳ họp vừa qua đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 8 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH và các thành viên Chính phủ đã trao đổi, tranh luận thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thực hiện việc giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Sáng 21-6, các đại biểu Bùi Xuân Thống và Nguyễn Thị Như Ý tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Nhơn Trạch.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh tại địa phương như đền bù đất đai một số dự án chưa thỏa đáng, không đúng đối tượng; vấn đề ô nhiễm môi trường do đường cống thoát nước bị nghẹt, ngập nước khiến người dân đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa; tình trạng xả thải ở ấp Vũng Gấm, xã Phước An; đường giao thông liên xã Phước Thiền xuống cấp; việc thi công công trình đường cao tốc Bến lức - Long Thành làm một số điểm của 3 xã Phước khánh, Vĩnh Thanh và Phú Đông bị ngập...

Lãnh đạo huyện Nhơn Trạch đã giải trình, làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri quan tâm kiến nghị.

Hoàng Lộc

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây