Cấp cứu ngoài cộng đồng đúng cách có thể cứu sống nhiều mạng người

Thứ bảy - 13/01/2024 15:59
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - BS CKI Trương Văn Xuất, phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong năm 2023, đoàn y, bác sĩ của bệnh viện đã tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho hơn 1 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên của 27 trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Bác sĩ Trương Văn Xuất tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên, nhân viên của Trường TH-THCS-THPT Song Ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa)
Bác sĩ Trương Văn Xuất tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên, nhân viên của Trường TH-THCS-THPT Song Ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa)

Nhiều người chưa có kiến thức về cấp cứu ngoài cộng đồng

Qua thực tế tập huấn cho thấy, có rất ít người nắm được các kỹ thuật cấp cứu ngoài cộng đồng như: cấp cứu ngưng tim ngưng thở, cấp cứu co giật, cấp cứu dị vật đường thở, cấp cứu ngạt nước, sơ cứu bệnh nhân bị chấn thương…Trong khi đó, những tai nạn này nếu được cấp cứu kịp thời, đúng cách ngoài cộng đồng sẽ giảm rất nhiều nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng sau tai nạn.

BS Xuất dẫn chứng, năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận 12 ca ngạt nước, trong đó có 3 ca tử vong, các ca còn lại để lại nhiều di chứng nặng. Tất cả những trường hợp này đều chưa được sơ cứu tại cộng đồng hiệu quả. Mới đây, các bác sĩ của bệnh viện mặc dù đã dốc sức cấp cứu khẩn cấp, lấy được dị vật ra ngoài cho một bệnh nhi 7 tuổi (bị hóc dị vật là cục bánh bông lan) nhưng do em bé không được cấp cứu kịp thời ở ngoài cộng đồng, thời gian ngưng tim ngoại viện quá lâu nên bệnh nhi đã không qua khỏi.

Theo BS Trương Văn Xuất, biểu hiện của người bị hóc dị vật là đột ngột ho sặc sụa, tím tái, nói không được, lấy tay ôm cổ, nặng hơn là thiếu oxy não dẫn đến ngất xỉu, mê man. Người bị hóc dị vật có diễn tiến bệnh rất nhanh nên dù có được đưa vào bệnh viện cấp cứu cũng rất khó qua khỏi hoặc để lại di chứng rất nặng nề.

Những trường hợp bị hóc dị vật cần được cấp cứu khẩn cấp ngoài cộng đồng bằng thủ thuật Heimlich. Bởi trong vòng 5 phút, nếu không được cấp cứu, lấy vị vật ra ngoài, người bị hóc dị vật không thở được, thiếu oxy não sẽ dẫn đến tử vong.

Do vậy, việc trang bị kiến thức về sơ cấp cứu ngoài cộng đồng cho người dân, đặc biệt là nhân viên, giáo viên các trường học, nhân viên các cơ sở vui chơi giải trí… có ý nghĩa rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Qua đó, góp phần cứu sống được nhiều trường hợp bị tai nạn ngoài cộng đồng.
Nhân viên trường học được hướng dẫn cách sơ cứu ngưng tim ngưng thở
Nhân viên trường học được hướng dẫn cách sơ cứu ngưng tim ngưng thở

Một số lưu ý cơ bản

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học về cấp cứu ngoại viện diễn ra tại Bệnh viện E Hà Nội, GS-TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (ĐHQG Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về số người tử vong do không được cấp cứu ngoại viện. Nhưng thực tế, số người tử vong trước khi đến được bệnh viện rất nhiều.

Hàng ngày, xung quanh chúng ta xảy ra biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau, các sự cố cháy nổ, bão lũ ….Tuy nhiên nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ làm bệnh nặng thêm hoặc tử vong ngoài bệnh viện.
GS-TS Lê Ngọc Thành cho biết, có những sự việc vô cùng đáng tiếc khi người dân đưa bệnh nhân chấn thương cột sống cổ, chấn thương đa tạng vào viện bằng xe máy. Việc vận chuyển bệnh nhân như vậy có thể khiến người bệnh gặp di chứng liệt suốt đời.
Có những trường hợp biến chứng nặng như ngừng tuần hoàn, ngừng thở cần phải cấp cứu ngay tại chỗ. Trong khoảng 10 giây, não thiếu oxy, con người sẽ giảm ý thức và dẫn đến hôn mê.

Ví dụ, trường hợp một em bé bị sặc dị vật, chặn đường thở. Những người xung quanh cần phải tìm cách lấy dị vật ngay tại chỗ chứ không phải gọi cho y tế vì sẽ không kịp thời gian để y tế đến hỗ trợ.

Hiện nay, Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115, tuy nhiên số tỉnh thành phố có trung tâm cấp cứu còn ít và đa số người dân chưa coi trọng việc cấp cứu tại chỗ. Khi có bất cứ tình huống khẩn cấp nào xảy ra, đa phần đều gọi cấp cứu. Nhiều trường hợp xe cấp cứu không kịp đến do nhiều nguyên nhân như tắc đường, ở quá xa, hoặc địa hình xe cấp cứu không tới được. Chỉ có cấp cứu tại chỗ mới giải quyết được các vấn đề này để cứu sống người bệnh.

Những kiến thức cấp cứu phổ biến mà ai cũng phải được trang bị và có kỹ năng xử trí như: garo vết thương cầm máu tại chỗ, kiểm soát đường thở, cố định vết thương gãy bằng bất cứ dụng cụ gì hay chỉ đơn giản là kéo người bệnh ra khỏi những tình huống nguy cấp như ngạt khói, hoặc trong khi bị bỏng trong đám cháy, bỏng do vôi …. Chỉ cần làm được những điều này chúng ta có thể cứu được rất nhiều người.
Giáo viên mầm non thực hành cách hà hơi thổi ngạt cho người bị ngưng tim, ngưng thở do tai nạn
Giáo viên mầm non thực hành cách hà hơi thổi ngạt cho người bị ngưng tim, ngưng thở do tai nạn

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây