Dù ảnh hưởng của dịch Covid 19, những ngày này, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết (Bình Phước) vẫn mở cửa đón nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
Tà Thiết là một Sóc nhỏ nằm trong cánh rừng lớn thuộc huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Đây là căn cứ Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ; nơi tập trung những tâm lực, trí tuệ xuất sắc nhất cho giai đoạn nóng bỏng cuộc kháng chiến - nơi ra đời một quyết định lịch sử quan trọng- Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết định số phận của chế độ ngụy quyền Sài Gòn tồn tại đã hàng thập kỷ.
Bí thứ Tỉnh ủy (thứ 4 từ phải qua) cùng lãnh đạo QK7, Bộ QP cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bộ Tư lệnh Miền- Tà Thiết
Hội tụ niềm tin quyết thắng
Vị trí, vai trò của Căn cứ Tà Thiết đã được thực tế lịch sử khẳng định, là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, góp phần to lớn vào quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn....đặc biệt từ năm 2017 đến nay, Khu Di tích còn có ý nghĩa đặc biệt khi Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Dự án Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền - Tà Thiết.
PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường (Quân khu 7) chia sẻ, đặt trong hoàn cảnh có chiến tranh, sự tồn tại của căn cứ địa Tà Thiết là nơi kết tinh, biểu tượng về ý chí, sức mạnh tinh thần của cách mạng miền Nam nói chung và riêng LLVT. Ở đó, từ chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích đều hướng về với niềm tin quyết thắng để hoàn thành nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
Mặc dù chỉ hình thành và tồn tại trong một thời gian ngắn (1973-1975), căn cứ Tà Thiết có vai trò, vị trí hết sức quan trọng giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi nhận bức điện mang mật danh “37TK” của Tổng bí thư Lê Duẩn đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch mang tên Bác do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.
Cũng theo PGS, TS Hồ Sơn Đài, Tà Thiết còn là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng đối với một căn cứ chỉ huy của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. “Chúng ta di chuyển về tổ chức tại đây để tiếp nhận nhanh được những chỉ thị của Bộ Chính trị, của Trung ương Cục miền Nam, của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các hoạt động tác chiến ở khu vực chiến trường B2 này”, PGS, TS Hồ Sơn Đài nhấn mạnh.
Với ý nghĩa đó, ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TTDL) đã công nhận Bộ Chỉ huy Miền- Tà Thiết là khu di tích lịch sử quốc gia. Kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Bình Phước 23-3-2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Bộ Chỉ huy miền - Tà Thiết là Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt...
Cổng vào khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Nơi giáo dục truyền thống cách mạng
Có mặt trong lễ khánh thành và thăm lại chiến trường xưa, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Ông Triết chia sẻ, Tà Thiết là một địa danh quá đỗi thân thương, quen thuộc và tự hào. Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, nơi ấy còn chứa đựng biết bao tình cảm của bà con Quân khu 10 (mật danh là T10). “So với những địa bàn khác, T10 thiếu thốn nhiều thứ, lương thực thực phẩm thiếu triền miền nên cán bộ, chiến sĩ hay gọi vui “T10 là T mì”. Nhưng T10 không thiếu nghĩa, thiếu tình, không thiếu khí phách anh hùng của quê hương cách mạng. Đồng bào dân tộc thiểu số giã từng hạt gạo, nấu từng bát canh nuôi bộ đội. Vì vậy, thế hệ hôm nay và mai sau của Bình Phước và các tỉnh Đông Nam bộ phải tiếp tục nỗ lực để căn cứ Tà Thiết trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, để “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn vang vọng mãi”, ông Triết nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho hay, tự hào với mảnh đất của quê hương, tỉnh Bình Phước đã tập trung bảo tồn, quy hoạch, phát triển khu du lịch, dịch vụ di tích Tà Thiết.
Bà Hiền khẳng định: “Với ý nghĩa và tầm quan trọng, Bình Phước tăng cường công tác quản lý, bảo tồn di tích Tà Thiết để nơi đây xứng đáng là địa chỉ xanh của du lịch sinh thái, địa chỉ đỏ của du lịch truyền thống lịch sử”. Khu căn cứ lịch sử quốc gia đặc biệt Tà Thiết có diện tích khoảng 500 ha vùng lõi trong tổng thể quy hoạch khoảng 3.500 ha, xây dựng các công trình phục vụ cho việc tham quan du lịch về nguồn để các thế hệ sau về đây biết được ý nghĩa lịch sử cách mạng của khu di tích này.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, những con người từng sống và làm việc ở căn cứ Tà Thiết năm xưa, nay người còn, người đã mất. Với những người đang sống, họ vẫn giữ được khí phách anh hùng, sự lạc quan và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Căn cứ Tà Thiết đã trở thành di tích lịch sử quý giá, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, giáo dục ý nghĩa lịch sử, âm vang hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước về lãnh thổ 30-4-1975, tạo tiền đề thống nhất đất nước về mặt Nhà nước 2-7-1976./.
Kim Anh