Già làng Năm Nổi - Cây đại thụ đã về với núi rừng

Thứ ba - 05/05/2020 10:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 2-5-2020, già làng Năm Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) - “Cây đại thụ” của đồng bào Chơro ở Đồng Nai đã về với núi rừng và các vị thần linh. Ông qua đời tại nhà riêng, để lại niềm tiếc thương cho những người yêu mến.

Già làng Năm Nổi đã trở thành “Biểu tượng” cho tấm lòng người Chơro suốt đời chung thủy với cách mạng, theo Bác Hồ. Đặc biệt, những “Di sản” mà già để lại góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Chơro.
1141c072c7443d1a6455.jpg
Già làng Nguyễn Văn Nổi (bìa phải) giới thiệu cây cồng chiêng của đồng bào Chơro với nhạc sĩ Trần Viết Bính
Một lòng theo Đảng, Bác Hồ

Già làng Năm Nổi (hay còn gọi là già Tơ Tơ) tên thật là Nguyễn Văn Nổi, sinh năm 1930 trong một gia đình có cha là người Kinh, mẹ là người Chơro. Là con thứ 5 trong gia đình nên mọi người thường gọi già là Năm Nổi. Đáng lẽ theo tập tục truyền thống, già phải theo họ Hồng (người Chơro vùng Lý Lịch con cái mang họ Hồng). Tuy nhiên, già cho rằng, tình yêu làng bản đã có trong tim, vậy nên già lấy họ Nguyễn của cha để biết dòng dõi gốc tích của mình.
Bởi sinh ra và lớn lên trên địa bàn Chiến khu Đ - căn cứ kháng chiến của quân dân Biên Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên già làng Năm Nổi giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 7 tuổi, ông tự nguyện gia nhập đoàn giao liên của bản làng. Đến 15 tuổi, ông được giao nhiệm vụ liên lạc giữa các đơn vị bộ đội trong Chiến khu Đ. Mỗi khi được đi giao thư, già làng Năm Nổi lại bỏ vào cán chà gạc rồi chọn những con đường khó, hiểm trở nhất, cắt rừng mà đi.
Chính những năm tháng tuổi trẻ hăng hái làm giao liên đã rèn luyện đôi chân, mà sau này già Năm Nổi được ví như “con sóc rừng”. Ông được tiếp xúc và hoạt động cách mạng cùng các cán bộ lão thành như: thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, trung tướng Nguyễn Bình (trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) ở Chiến khu D… Năm 1957, với vai trò Bí thư Chi bộ xã Lý Lịch, già làng Năm Nổi chỉ huy 4 đồng đội là thanh niên trong làng tiêu diệt một tiểu đoàn dù của địch nhảy dù xuống rừng già.
Năm 1959, chiến khu Đ bị quân địch bao vây dài ngày, mọi ngả đường vào chiến khu đều bị chặn khiến bộ đội có nguy cơ đói vì hết lương thực. Lúc này, già làng Năm Nổi mới sực nhớ trong chiến khu có một quả đồi rất nhiều củ chụp, một loại củ có thể thay thế cơm. Ông vui mừng thông báo cho bà con đi đào củ này cho bộ đội. Nhờ củ chụp của già Năm Nổi và bà con mà bộ đội đã giải quyết được vấn đề lương thực, đánh bại trận trận càn của địch. Cũng từ đó, quả đồi này được đặt tên là đồi Củ Chụp.
Không chỉ bí mật hoạt động cách mạng, già làng Năm Nổi còn vận động đồng bào mình góp sức vót chông, đặt bẫy, giúp bộ đội lập căn cứ và cung ứng lương thực. Dưới sự lãnh đạo của già, vùng núi Lý Lịch trở thành vùng đất chết đối với kẻ thù. Tuy bị giặc dội bom, đốt nhà nhưng tinh thần cách mạng của người Chơro vẫn âm ỉ như ngọn lửa. Có thời điểm già phải cải trang làm người đi săn, đem thú săn được ra chợ đổi muối, còn tài liệu thì được giấu vào ruột cây chà gạc. Cứ thế, già và đồng bào cùng bộ đội bảo vệ Chiến khu Đ, Trung ương cục miền Nam cho đến ngày toàn thắng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, già Năm Nổi luôn là lá cờ đầu của phong trào chống giặc, là “lãnh tụ tinh thần” của đồng bào Chơro vùng Phú Lý, H.Vĩnh Cửu.
Người giữ hồn dân tộc Chơro
Hòa bình lập lại, già làng Năm Nổi đã vận động đồng bào mình bỏ rừng về khu trung tâm sinh sống, định cư để chính quyền quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Già làng Năm Nổi vẫn luôn là cây đại thụ, linh hồn của đồng bào Chơro ấp Lý Lịch năm xưa và Phú Lý hôm nay. Già đã hướng dẫn đồng bào tin Đảng, làm đúng chủ trương, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới.
Đối với hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, già làng Năm Nổi là “báu vật sống”, người “giữ hồn” cho dân làng Chơro. Ông là người nắm giữ đầy đủ những bí quyết của người Chơro trong việc nấu rượu cần, cách đánh cồng chiêng, hiểu biết những cách thức của cộng đồng trong phong tục tập quán mà nhiều người Chơro ngày nay đã quên đi. Nhiều năm qua, già đã bỏ công sức sưu tầm nhiều hiện vật của cộng đồng Chơro, hiến tặng hiện vật để trưng bày trong Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chơro.
Bất kỳ một ai đến tìm hiểu về người Chơro, vốn quý văn hóa của người Chơro đều được già làng Năm Nổi hướng dẫn, thuyết minh, giải thích cặn kẽ cách làm, cách sử dụng, ý nghĩa hay quan niệm của người Chơro đối với từng loại hiện vật liên quan. Già cùng thường xuyên chỉ dạy, trao truyền vốn quý văn hóa cho người trẻ của đồng bào Chơro, giúp họ hiểu tận tình về các loại nhạc cụ như đàn tre, công chiêng. Đặc biệt, vào mùa Tết, lễ hội, già hướng dẫn cách thức làm cây nêu, nghi thức của lễ hội, lời khấn, dạy người trẻ cách đánh cồng chiêng để bảo tồn những giá trị văn hóa.
Cũng bởi am hiểu vốn văn hóa, nhiệt tình giảng dạy, lưu giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ, già làng Năm Nổi luôn được bà con ở ấp Lý Lịch thương yêu quý mến. Già được xem là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ trẻ noi theo. Ghi nhận những đóng góp của già trong công tác bảo tồn và truyền dạy, phát huy các giá trị di sản của người Chơro, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao quyết định công nhân danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho ông vào ngày 20-9-2008.
Ly Na

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây