Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Đồng Nai bắt đầu khởi động vào cuối tháng 3-2019 với mục tiêu trong năm đầu triển khai là xây dựng được khoảng 11/12 sản phẩm OCOP. Kết quả, có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP với 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Sản phẩm
dưa lưới của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh trong năm
2019
Điều này cho thấy Chương trình OCOP đã thực sự khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với kỳ vọng xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.
Tiềm năng lớn
Với tiềm năng đã hình thành được 25 vùng sản xuất tập trung cho cây trồng; 139 vùng phát triển chăn nuôi; kinh tế tập thể phát triển mạnh…Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển Chương trình OCOP.
Qua khảo sát bước đầu cho thấy trên địa bàn tỉnh có khoảng 190 sản phẩm OCOP gồm: 155 sản phẩm nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm nhóm đồ uống, 5 sản phẩm nhóm thảo dược, 13 sản phẩm nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, 10 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng...
Ngay năm đầu triển khai, chương trình đã thu hút nhiều đặc sản độc đáo của các địa phương đăng ký tham gia như: trà khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (phường Xuân Tân, TP.Long Khánh); bột sen dinh dưỡng của Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch); rượu vang ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức...Các đơn vị tham gia Chương trình OCOP đều mong muốn được hỗ trợ để các đặc sản địa phương không ngừng vươn xa, trở thành thương hiệu đặc sản cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Sen là đặc sản lâu đời của vùng đất Nhơn Trạch. Tôi đầu tư chế biến các sản phẩm từ sen theo phương pháp thủ công truyền thống, chăm chút tỉ mỉ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến các khâu chế biến vì muốn tiếng thơm sen Nhơn Trạch ngày càng lan xa”.
Sản phẩm OCOP hạt sen của Cơ
sở chế biến hạt sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch) tham gia chương trình xúc
tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản
tổ chức tại TP. Biên Hòa năm 2019
Cùng mong muốn, bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân cho biết, trà khổ qua rừng của doanh nghiệp được chọn trong nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Đây là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển thêm nhiều dòng hàng mới. “Chúng tôi đã liên kết với nhiều nông dân phát triển vùng trồng khổ qua rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” - bà Vân nói.
* Tạo bệ đỡ cho đặc sản đi xa
Vai trò của Nhà nước trong Chương trình OCOP là tạo sự hỗ trợ một cách toàn diện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp như: hỗ trợ về tư vấn, đào tạo, huấn luyện; xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; xúc tiến thương mại...
Điểm sáng Chương trình OCOP đạt được trong năm 2019 đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư của chính quyền Đồng Nai cho chương trình này. Dù kết quả đánh giá, Đồng Nai chỉ có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao nhưng thực tế nhiều sản phẩm 3 sao khác có nhiều tiêu chí đạt chuẩn 4 sao. Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia cũng rất quan tâm đầu tư nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó tập trung phát triển kênh thị trường xuất khẩu cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng sao cho các sản phẩm OCOP.
Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc), sản phẩm của doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP 4, 5 sao vì đã có chứng nhận GlobalGAP. Dự kiến trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và châu Âu vì hiện đã có đối tác đến bàn kế hoạch hợp tác đưa các mặt hàng của nông trại xuất khẩu. “Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung bổ sung thêm các yêu cầu và hoàn thiện về mặt hồ sơ để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm, trong đó có yêu cầu quan trọng là phát triển thị trường xuất khẩu” – ông Tính nói.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho hay, tuy theo quy định, ở cấp tỉnh mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP. Nhưng tại Đồng Nai, chương trình này sẽ được tổ chức thường xuyên, có thể theo từng quý để kịp thời xem xét, đánh giá và công nhận thêm các sản phẩm OCOP mới đạt chuẩn cũng như nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Công tác đánh giá sẽ được làm chặt chẽ, đúng quy định, nhất là đặc biệt chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của sản phẩm được đánh giá.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập