Nông dân hưởng nhiều lợi ích từ mô hình cánh đồng lớn

Thứ tư - 25/04/2018 02:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Huyện Cẩm Mỹ hiện là địa phương có số lượng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất- tiêu thụ đang được triển khai nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Mô hình sản xuất này bước đầu cho thấy hiệu quả và mang đến nhiều lợi ích cho đa số nông dân tham gia. ​

Nhiều lợi ích từ cánh đồng lớn

Gia đình chị Lê Thị Hiền, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ có 4 ha đất chuyên trồng bắp từ hàng chục năm nay. “Trước đây, mỗi năm gia đình trồng 3 vụ bắp lấy hạt. Mỗi vụ sau khi trừ mọi chi phí từ giống, công gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch thì lợi nhuận chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ. 4 ha đất mà mỗi năm trung bình chỉ thu được khoảng 100 triệu  đồng tiền lời nên cuộc sống cũng khó khăn”, chị Hiền kể. Đó là chưa kể do chủ yếu bán cho thương lái nên giá bắp cũng rất bấp bênh.

Năm 2015, được sự vận động của chính quyền địa phương, cùng với nhiều nông dân trong xã, chị Hiền tham gia dự án cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân do HTX Đông Tây làm chủ. Đây là dự án trồng bắp lấy thân để sản xuất thức ăn chăn nuôi cung cấp cho trại bò Úc của Công ty TNHH Sơn Thủy Hà tại xã Xuân Đông. Theo chị Hiền, từ khi tham gia vào dự án, cũng chỉ với từng đó diện tích nhưng lợi nhuận từ cây bắp lại tăng cao đáng kể. Do chỉ trồng bắp lấy thân nên thời gian thu hoạch được rút ngắn nên gia đình chị Hiền mỗi năm trồng được 4 vụ, tăng thêm được 1 vụ so với trồng bắp hạt. Ngoài ra, chị Hiền cũng không phải lo lắng tình trạng sâu bệnh bùng phát khi cây bắp bắt đầu ra trái như trước, bởi do trồng lấy thân nên khi cây bắp bắt đầu ra trái non thì đã được thu hoạch. “Khỏe nhất là khi bắp đến kỳ thu hoạch thì người mua đến cắt về, mình không mất công thu hoạch rồi phơi phóng hay chờ thương lái đến mua như trước”, chị Hiền cho hay.


 Tiêu sạch trong dự án cánh đồng lớn với HTX nông nghiệp Lâm San vẫn được thu mua với giá cao hơn giá thị trường.

Cũng theo chị Hiền, cái lợi lớn nhất mà người nông dân như gia đình chị được hưởng khi tham gia dự án cánh đồng lớn là lợi nhuận từ việc trồng bắp vừa tăng gấp đôi mà việc tiêu thụ rất thuận lợi. “Do tăng thêm được 1 vụ trồng nên tính ra thu nhập tăng gấp đôi so với trước. Yên tâm nhất là có nơi bao tiêu với giá cả ổn định”, chị Hiền chia sẻ.

Nâng cao thu nhập và yên tâm với đầu ra, đó là kết quả mà nhiều nông dân ở Cẩm Mỹ được thụ hưởng sau khi tham gia vào các dự án cánh đồng lớn. Điều đó cũng được thấy rõ ở cây hồ tiêu, vốn đang rơi vào cảnh rớt giá do cung vượt cầu. Hai năm qua, trong khi đa số nông dân trồng tiêu trong tỉnh “lao đao” vì tiêu rớt giá mạnh thì ở Cẩm Mỹ, người trồng tiêu sạch trong dự án cánh đồng lớn vẫn được HTX nông nghiệp Lâm San thu mua với giá cao hơn giá thị trường, giúp nông dân chống chọi tốt hơn với cơn “bão giá” kéo dài. Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San cho hay, giá tiêu sạch luôn được HTX mua cao hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. “Trong cảnh giá tiêu rớt thảm như thời gian qua việc HTX Lâm San thu mua với giá như vậy giúp người trồng tiêu chúng tôi rất nhiều”, ông Quang cho hay.

Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho biết, dù giá tiêu đang xuống thấp nhưng thị trường tiêu thụ tiêu sạch của HTX tại các nước châu Âu vẫn rất tốt, giá cũng ổn định nên đơn vị có điều kiện để thu mua tiêu cho nông dân với giá tốt hơn giá thị trường.

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, trên địa bàn huyện hiện có 8 dự án cánh đồng lớn đang được triển khai. Trong đó, có 4 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên các cây trồng chủ lực của địa phương như: bắp, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đã được UBND tỉnh phê duyệt. 4 dự án còn lại hiện đang trong quá trình xây dựng.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án cánh đồng lớn kết hợp với việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản cho các cây trồng chủ lực của địa phương đã và đang góp phần đưa huyện Cẩm Mỹ phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững hơn. Đặc biệt, người nông dân tham gia vào các dự án cũng được hưởng nhiều lợi ích hơn so với việc sản xuất manh mún, tự phát trước đây. “Sau khi được chấp thuận cho triển khai dự án cánh đồng lớn, các chủ dự án đã hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, thay thế giống mới, quy trình canh tác hiện đại. Nhờ đó, năng suất, thu nhập của người nông dân cũng tăng cao hơn”, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, cái lợi lớn nhất mà người nông dân được hưởng chính là sự an tâm trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi, trước đây khi bán cho thương lái, người nông dân gần như không thể quyết định giá bán sản phẩm mà mình làm ra. Tuy nhiên, khi tham gia vào các dự án cánh đồng lớn, nông dân được thương thảo và ký hợp đồng mua bán với các đơn vị tiêu thụ nên có thể biết được giá bán khi chưa thu hoạch sản phẩm. “Điều này rất có lợi cho nông dân, giúp họ tránh được tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để thực hiện thêm các dự án cánh đồng lớn, góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản ở địa phương”, ông Thắng nhấn mạnh.

Không chỉ nông dân được hưởng lợi, các doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn cũng nhận thấy lợi ích từ mô hình sản xuất này. Ông Phạm Thanh Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Quyết Tiến (chủ dự án cánh đồng lớn trên cây bưởi tại xã Xuân Mỹ) cho rằng, thông qua hình thưc liên kết, nông dân sẽ có điều kiện áp dụng quy trình sản xuất thức hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP. “Bởi họ biết sản phẩm làm ra sẽ được thu mua với giá bán đã được ký kết từ trước. Còn doanh nghiệp sẽ có được nguồn hàng chất lượng tốt để có thể hướng đến mục tiêu xuất khẩu”, ông Đồng nói.

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây