BVĐK Thống Nhất Đồng Nai: Cấp cứu thành công ca bệnh khó

Thứ năm - 21/06/2018 23:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Bệnh viện đa khoa (BVÐK) Thống Nhất Ðồng Nai vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị tắc động mạch phổi 2 bên do huyết khối. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã phục hồi và chuẩn bị xuất viện.​

Hằng ngày, bà Cám A Dến (51 tuổi, xã Phú Túc, huyện Ðịnh Quán) vẫn bán hàng và tập aerobic. Tuy nhiên vào khoảng 2 giờ sáng ngày 11-6, toàn thân bà Dến toát mồ hôi, dần đi vào hôn mê. Ban đầu, bà Dến được đưa đến cấp cứu tại BVÐK khu vực Ðịnh Quán trong tình trạng huyết áp tụt sâu, ngực đau, hôn mê, da tái, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng do gãy xương mác ở chân phải trước đó. Do tình trạng quá nặng, bà Dến được chuyển đến cấp cứu tại BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai. Lúc này, bà Dến đã rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, đau ngực, khó thở dữ dội, huyết áp tụt phải thở máy và dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp.


 Sau 1 tuần chữa trị, bà Dến đã phục hồi và đi lại được.

BS. Võ Văn Út, Khoa Hồi sức - tích cực, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai, người trực tiếp đưa ra các quyết định chữa trị cho bà Dến kể lại: Ðiều khó khăn nhất của ca bệnh này là chẩn đoán chính xác bệnh. Dù đồng nghiệp ở tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng, tuy nhiên qua khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân bị đau đột ngột, trong khi vết thương ở chân đã cố định nhiều ngày. Từ đó, các bác sĩ nghĩ đến việc tắc ở tim hoặc phổi. Muốn có kết quả chính xác, bệnh nhân cần phải chụp CT ngực (có thuốc cản quang). Ngặt nỗi, bệnh nhân lại đang trong tình trạng nặng, loạn nhịp tim và phải sốc điện nhiều lần. “Chụp CT để chẩn đoán lúc này là không an toàn cho bệnh nhân. Chúng tôi đã phải làm mọi cách để hồi sức cho bệnh nhân ổn định càng nhanh càng tốt để chụp CT”, BS. Út nói.

Sau khi sử dụng thuốc chống đông, bệnh nhân này lại lên cơn loạn nhịp nhanh, các bác sĩ phải sốc điện để cắt cơn. Việc chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh là vô cùng quan trọng bởi nếu không được phát hiện đúng bệnh, nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao. Khi tình trạng bệnh nhân ổn hơn, các bác sĩ đã cho chụp CT. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch phổi 2 bên. Do đó, các bác sĩ phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. “Khi dùng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân, khả năng bệnh nhân bị xuất huyết các vùng khác sẽ rất lớn, đáng ngại nhất là xuất huyết não và tử vong. May mắn, sau khi dùng thuốc, bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Chỉ sau 2 tiếng, bệnh nhân đã tỉnh và cai máy thở, ngưng sử dụng thuốc vận mạch. Ðể dự phòng bệnh tái phát, các bác sĩ đã quyết định đặt lưới lọc tĩnh mạch cho bệnh nhân.

BS. Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai chia sẻ, tình trạng của bệnh nhân trên là mức độ nặng nhất của bệnh lý huyết khối tĩnh mạch chi. Ðây là căn bệnh ít gặp. Trước đây, những bệnh nhân này phải chuyển lên BV Chợ Rẫy để đặt lưới lọc. Nhưng từ vài năm nay, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã thực hiện được kỹ thuật này ngay tại BV. Ðể cứu sống bệnh nhân, cần đến sự phối hợp của 4 chuyên khoa với hàng chục bác sĩ thực hiện. “Càng phát triển chuyên sâu, các bác sĩ càng phải gắn kết, phối hợp đồng bộ để cứu sống bệnh nhân”, BS. Huy nói.

BS. Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thành huyết khối có thể do di truyền và do mắc phải. Để hạn chế huyết khối, người dân nên ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ dầu mỡ và đặc biệt thường xuyên đi khám tầm soát để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây