(CTT-Đồng Nai) - Dù xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng nông dân Sỳ Chi Khìn (43 tuổi, KP.Tân Thủy, P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) không mặc cảm, tự ti trước số phận mà luôn tìm mọi cách phấn đấu để vươn lên làm giàu bằng nghề làm vườn cây ăn trái. Năm 2023, ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP.

Ông Sỳ Chi Khìn chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng cho các đoàn khách đến tham quan
Ông Sỳ Chi Khìn chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng cho các đoàn khách đến tham quan
Nghị lực vượt khó làm giàu
Chia sẻ về cuộc đời khởi nghiệp của mình, ông Sỳ Chi Khìn cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân với đông anh em tại vùng đất Long Khánh (chỗ ở hiện nay). Ông phải nghỉ học từ năm lớp 7 để ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm lo cho các em nhỏ vì cuộc sống gia đình lúc bấy giờ quá khó khăn.
Năm 2000, ông Khìn lập gia đình và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Dù thân phận nghèo khổ, thiếu thốn nhưng ông không mặc cảm mà luôn chí thú làm ăn và tìm mọi cách phấn đấu vươn lên với hy vọng một cuộc sống tương lai tốt đẹp. “Ai thuê gì làm nấy, từ khuân vác, làm đất, nhổ cỏ, tưới nước, bón phân, phun thuốc cho đến thu hái nông sản… đều được hai vợ chồng nhận làm chứ không ngại cực, ngại khổ”- ông Khìn nhớ lại.
Sau đó, chính quyền địa phương đã quan tâm và vận động nguồn lực xây tặng cho hai vợ chồng ông Khìn căn nhà tình thương để họ có chỗ ở “che mưa, che nắng”. Đồng thời tạo điều kiện cho ông Khìn tham gia các lớp tấp huấn về nông nghiệp để học tập kinh nghiệm về trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái. “Tôi còn được nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để làm ăn. Nhờ đó, tôi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình ngày càng thuận lợi hơn”- ông Khìn bộc bạch.
Năm 2008, ông Khìn đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tiêu, cà phê không có giá trị kinh tế cao (đất rộng 6.000m2 và do cha mẹ cho) sang trồng chôm chôm Thái- loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao lúc bấy giờ. “Gia đình tôi đã duy trì mô hình trồng chôm chôm Thái trong khoảng 10 năm và nhờ nguồn thu nhập ổn định của loài cây này đã giúp vợ chồng tôi có tiền dư để dùng vào việc mua tích góp đất, nâng tổng diện tích vườn lên 1,4 ha như hiện nay”- ông Khìn tâm sự.
Hơn 10 năm sau, khi thấy vườn chôm chôm không thể tiếp tục phát triển để tăng giá trị kinh tế cho gia đình thì gia đình ông Khìn quyết định chặt bỏ cây chôm chôm để trồng sầu riêng Thái và Ri.6. Mô hình được đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả khoa học kĩ thuật tiến bộ vào khâu trồng và chăm sóc nên cây sầu riêng ngày càng phát triển khỏe mạnh, tốt tươi và cho năng suất ngày càng cao sau mỗi mùa thu hoạch. “Mùa sầu riêng năm 2023, gia đình thu hoạch gần 20 tấn trái và sau khi trừ mọi chi phí thì còn lời hơn 600 triệu đồng. Trong những mùa tới, cây sầu riêng trưởng thành thì năng suất sẽ cao hơn và có thể đạt tới 30 tấn trái/ ha”- ông Khìn tâm sự.
Tích cực hoạt động thiện nguyện
Nhờ sự cần cù và biết tính toán làm ăn có hiệu quả, kinh tế gia đình của vợ chồng ông Khìn ngày càng phát triển đi lên. Gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ năm 2019 và hiện có điều kiện xây dựng cơ ngơi vững chắc, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi cũng như chăm lo cho con học đến đại học.
Không chỉ làm lợi cho gia đình, ông Khìn trong thời gian qua còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho bà con nông dân trong vùng cách trồng sầu riêng theo hướng VietGAP sao cho hiệu quả để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Gia đình ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ngoài ra, ông Khìn còn tích cực tham gia các hoạt động, phòng trào ở địa phương phát động.
Bí thư Chi bộ KP. Tân Thủy (P.Bàu Sen) Hồ Sấm Hội cho biết, ngoài phát triển kinh tế gia đình, gia đình ông Sỳ Chi Khìn còn tích cực đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện của địa phương. Chẳng hạn, ông Khìn đã đóng góp 50 triệu đồng làm tuyến đường bê tông tại KP.Tân Thủy nhằm góp phần cho bộ mặt đô thị trở nên khang trang, vừa giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn.
Chủ tịch UBND P.Bàu Sen Đinh Sỹ Nghĩa cho biết, dù xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng vợ chồng ông Khìn đã không mặc cảm trước cuộc sống mà luôn phấn đấu tìm mọi cách để vươn. Điều đáng quý là ông Khìn có đức tính cần cù, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm và biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào mô hình trông cây ăn trái có hiệu quả. Hiện gia đình ông Khìn thuộc diện khá giả và trở thành một trong những nông dân làm kinh tế giỏi cấp tỉnh của địa phương.