Các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang lên kế hoạch để tăng tốc thi công trở lại với mục tiêu vừa đẩy nhanh tiến độ vừa đáp ứng đủ các tiêu chí về phòng, chống dịch Covid-19.
Công nhân thi công tại dự án xây dựng Trung tâm hành chính công TP.Biên Hòa.
Lên kế hoạch thực hiện tăng ca
Trong khoảng 3 tháng qua, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến phần lớn các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn bị gián đoạn, chậm tiến độ.
Tại gói thầu số 7, dự án cải tạo, nâng cấp đường 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An. H.Vĩnh Cửu), trước thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát có khoảng 50 công nhân tham gia thi công. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, số lượng công nhân thi công giảm chỉ còn chưa đến 30 người.
Ông Nguyễn Bắc Nam, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty xây dựng số 1, nhà thầu thi công gói thầu số 7, dự án nâng cấp, mở rộng đường 768 cho biết, do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên đơn vị không thể duy trì số lượng nhân công như lúc bình thường nên một số công nhân đã được cho về quê nghỉ chờ việc. Ngoài ra, do khó khăn trong khâu cung ứng vật tư, vật liệu khiến cho đơn vị cũng không thể duy trì tiến độ công việc như thời điểm bình thường. Điều này đã khiến cho tiến độ giói thầu bị chậm so với kế hoạch đặt ra.
Dừng thi công, chậm tiến độ cũng là thực trạng chung của hầu hết các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong khoảng 3 tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho hay, trong số 72 gói thầu thuộc 57 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư thì có đến 36 gói thầu phải dừng thi công trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Số còn lại cũng chỉ có thể duy trì thi công theo kiểu cầm chừng. Do đó để có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng dần, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có văn bản gửi các nhà thầu thi công xây dựng kế hoạch thực hiện tăng ca nhằm bù đắp phần công việc đã bị chậm trong thời gian qua. Từ đảm đảm bảo tiến độ chung của các công trình cũng như việc giải ngân nguồn vốn.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải lập tiến độ thi công chi tiết trong 3 tháng 10,11,12 của năm 2021. Trong đó phải thể hiện được đầy đủ nguồn lực như: vật tư, vật liệu, máy thi công, nhân công... Tiến độ thi công phải thể hiện được tăng ca, kíp thi công để bù tiến độ đã bị chậm trễ do giãn cách xã hội. “Tùy mức độ cấp bách về tiến độ của từng dự án, nhà thầu phải tổ chức thi công tăng ca cho phù hợp. Tối thiểu phải tăng ca 1,5 lần (12 giờ/ngày). Đặc biệt là những gói thầu đang bị chậm tiến độ phải tổ chức thi công 2 ca/ngày (ca ngày, ca đêm), mỗi ca 12 giờ để đẩy nhanh tiến độ”- ông Ngô Thế Ân cho biết.
Cùng với kế hoạch tăng ca, các nhà thầu cũng phải đăng ký khối lượng thanh toán trong 3 tháng cuối năm để ước lượng được nguồn vốn đầu tư sẽ được giải ngân.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT, việc tái khởi động trở lại các dự án đầu tư công hiện nay là yêu cầu bắt buộc để đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như giải ngân nguồn vốn. Do đó, các chủ đầu tư cần yêu cầu các nhà thầu thực hiện tăng ca, nhất là thực hiện thi công vào ban đêm để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch
Theo ông Ngô Thế Ân, cùng với việc yêu cầu các nhà thầu lên kế hoạch tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thì công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trường xây dựng vẫn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, căn cứ vào văn bản về hướng dẫn phòng chống, dịch Covid-19 trên công trường xây dựng của Bộ Xây dựng (văn bản số 3373/BXD-GĐ ngày 23-8-2021), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng yêu cầu các nhà thầu xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các nhà thầu lựa chọn các phương án tổ chức thi công theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng để đăng ký với các cơ quan chức năng gồm: “3 tại chỗ”; “1 cung đường, 2 điểm đến”, hoặc các phương án khác được chính quyền địa phương chấp thuận.
Đặc biệt, để có thể thực hiện tăng ca, việc tăng cường thêm nguồn nhân lực tại các dự án là điều kiện bắt buộc. Do đó, đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng yêu cầu các nhà thầu tiếp tục đăng ký danh sách tiêm vaccine Covid-19 cho cán bộ, công nhân nhà thầu với UBND xã, phường đang thường trú, tạm trú để tiêm vaccine. “Phải đảm bảo toàn bộ cán bộ, công nhân nhà thầu làm việc trên công trường đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19”- ông Ngô Thế Ân cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đối với các dự án đầu tư công từ ngân sách tỉnh, số lượng người lao động được tiêm phòng vaccine đến thời điểm này khá đảm bảo. Tuy nhiên, các dự án từ nguồn vốn cấp huyện số lượng cán bộ, công nhân, người lao động chưa được tiêm vaccine còn chưa đảm bảo. Do đó, phải ưu tiên tiêm vaccine cho số lượng lao động này trước để phục vụ thi công.
Ngoài ra, thời gian tới, các công trường xây dựng cũng sẽ phải tăng cường thêm lực lượng để phục vụ việc tăng ca, đẩy nhanh tiến độ. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cũng phải có kế hoạch để ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho lực lượng này để có thể đáp ứng yêu cầu làm việc.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập