Sau 9 tháng, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian 3 tháng còn lại của năm 2021 chính là thời gian chạy “nước rút” để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công
Thi công các công đoạn cuối của dự án nâng cấp, mở rộng đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa.
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và các địa phương cấp huyện, các đơn vị chủ đầu tư về giải ngân vốn đầu tư công quý II-2021 và đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đặt mục tiêu đến cuối quý III-2021 phải thực hiện giải ngân đạt 60% nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong năm. Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT, đến hết quý III-2021, có đến 25 trên tổng số 37 chủ đầu tư không hoàn thành mục tiêu đề ra khi có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chỉ đạt dưới 50% kế hoạch được giao. Đặc biệt, có đến 7 chủ đầu tư sau 9 tháng vẫn chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn. Cùng với đó, có đến 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch được giao và 5 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50%.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng vừa qua có nguyên nhân khách quan, bất khả kháng là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Để phòng chống dịch bệnh, tỉnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nên đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công. Đồng thời, việc vận chuyển vật liệu, vật tư, nhập khẩu máy móc thiết bị và điều động nhân công cũng gặp khó khăn làm chậm tiến độ các dự án từ đó kéo theo việc giải ngân nguồn vốn cũng bị chậm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh thì tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp còn đến từ nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các địa phương, các chủ đầu tư. “Một số địa phương cấp huyện chưa quyết liệt trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư chưa quyết liệt trong điều hành dự án”- ông Hồ Văn Hà cho biết.
Theo Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương, trong khoảng 3 tháng qua, do phải dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên các công tác khác, trong đó có công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công rất hạn chế. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của địa phương không đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra. “Trong gần 3 tháng qua, xã ít nhất trên địa bàn huyện cũng phải tập trung hoàn thiện 2 khu cách ly tập trung, xã nhiều nhất phải làm đến 6 khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 nên nguồn nhân lực, vật lực đều phải tập trung vào vấn đề phòng chống dịch là chủ yếu nên các công tác khác có thực hiện nhưng rất hạn chế”- ông Nguyễn Quang Phương cho hay.
Bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một trong những “trở lực” lớn làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn trong thời gian qua chính là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, hiện nay có 57 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện, tuy nhiên có đến 18 dự án đang gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Lấy dẫn chứng cho tình trạng này, ông Ngô Thế Ân cho biết, dự án chống ngập úng khu vực 3 suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan sau khi ký hợp đồng đơn vị đã tạm ứng tiền cho đơn vị thi công. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thể khởi công vì chưa có mặt bằng. “Hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang phải thực hiện thu hồi tiền tạm ứng cho nhà thầu thi công bởi theo quy định, quá thời hạn 3 tháng mà không thực hiện thi công hoàn tất khối lượng xây lắp để lập hồ sơ thanh toán thì phải thu hồi tiền tạm ứng”- ông Ngô Thế Ân cho biết.
Thi
công dự án nâng cấp, cải tạo đường 768
Cần những giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ
Với tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đến hết quý III-2021 chỉ đạt được khoảng 40% kế hoạch được giao, 3 tháng còn lại cuối năm 2021 được xem là khoảng thời gian mà các địa phương, các chủ đầu tư phải “chạy nước rút” để có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 mà tỉnh đã đặt ra. Điều này đòi hỏi các địa phương, các chủ đầu tư phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt để có thể “bứt tốc” trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Ông Ngô Thế Ân cho hay, để gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa đối với đơn vị để sớm có mặt bằng triển khai thi công các dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đối với công tác thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đã yêu cầu các nhà thầu tính toán, dự kiến số lượng công nhân tăng thêm để thực hiện tiêm phòng Covid-19 nhằm đẩy nhanh tiến độ bù đắp lại khoảng thời gian bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Chúng tôi yêu cầu các nhà thầu có những gói thầu nằm trong giai đoạn cuối năm phải xây dựng kế hoạch tăng ca. Phải thực hiện tăng ca từ 1,5-2 ca hoặc 3 ca mỗi ngày tùy theo tình hình từng dự án. Đồng thời các nhà thầu cũng phải đăng ký kế hoạch giải ngân theo hướng hoàn thành kế hoạch”- ông Ngô Thế Ân cho hay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 sẽ không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra nếu như không có biện pháp, giải pháp trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2021.
Do đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, trong thời gian còn lại, các chủ đầu tư cần chủ động xây dựng lại thời gian giải ngân cụ thể của từng dự án, xác định nguồn vốn cụ thể sẽ thực hiện giải ngân. Đồng thời, các chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, thi công phải phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ công việc.
Để có thể “tái” khởi động công tác giải ngân vốn đầu tư, các chủ đầu tư phải làm việc cụ thể với từng địa phương huyện, thành phố trong việc cho nhà thầu đi lại, di chuyển thi công các công trình trong tình hình dịch bệnh hiện nay. UBND huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tạo điều kiện cho các đơn vị thi công và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho có hiệu quả.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập