Kiến nghị bổ sung thêm đoạn tuyến nối dài vào đường Vành đai 3

Thứ ba - 27/07/2021 09:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đồng Nai đang đề nghị trung ương cho phép bổ sung thêm đoạn đường Vành đai 3 nối dài vào tuyến đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu “thông đường” để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch.

p.thong2.jpg?t=1752116631
​     
cao tốc Bến Lức- Long Thành đoạn qua khu vực xây dựng cảng Phước An,                                 H.Nhơn Trạch đang được đầu tư xây dựng

Bổ sung thêm đoạn tuyến dài 2,3km

Theo Sở GT-VT, quy hoạch đường Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 11,3km gồm 2 dự án thành phần 1A và 2A. Trong đó, dự án thành phần 1A có chiều dài 6,3km do Bộ GT-VT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, trong quý IV-2021, dự án sẽ được khởi công xây dựng.

Trong khi đó, dự án thành phần 2A có chiều dài 5km, điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành và điểm cuối giao với đường tỉnh 25B. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Đối với dự án thành phần này, theo chủ trương của Chính phủ sẽ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện.

Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch- tài chính, Sở GT-VT cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đang kiến nghị Thủ tưởng Chính phủ, Bộ GT-VT chấp thuận bổ sung đoạn đường Vành đai 3 nối dài từ đường cao tốc Bến Lức- Long Thành đến đường vào KCN Ông Kèo với lộ giới 60m vào dự án thành phần 2A thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 3. Đối với đoạn tuyến được đề nghị kéo dài, UBND H.Nhơn Trạch cũng đã bổ sung vào quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư đối với đoạn Vành đai 3 nối dài là 1,1 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 300 tỷ đồng. “Như vậy, nếu được chấp thuận, dự án thành phần 2A thuộc dự án đường Vành đai 3 sẽ có tổng chiều dài là 7,3km. Tổng mức đầu tư dự kiến cũng tăng từ hơn 2,2 ngàn tỷ đồng lên khoảng 3,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó riêng chí phí giải phóng mặt bằng là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng”- ông Vũ Xuân Dự cho biết.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, việc kiến nghị đầu tư bổ sung thêm đoạn Vành đai 3 nối dài vào tuyến đường Vành đai 3 nhằm mục tiêu kết nối tuyến đường này với KCN Ông Kèo và hệ thống cảng biển nhóm 5 trên địa bàn H.Nhơn Trạch.

p.thong.jpg?t=1752116631
                           Bốc dỡ hàng hóa tại ICD Tân cảng Nhơn Trạch.

“Thông đường” để khai thác hệ thống cảng biển

Ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết, theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) được Bộ GT-VT phê duyệt năm 2017, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng. Trong đó, H.Nhơn Trạch chính là địa phương có số lượng cảng biển nhiều nhất với 36 cảng với 15 cảng biển tổng hợp, 20 cảng chuyên dùng và 1 trung tâm dịch vụ hàng hải. Hệ thống cảng biển này nằm trên 4 sông chính là Đồng Nai, Thị Vải, Lòng Tàu và Nhà Bè.

Hiện nay, trong số 36 cảng biển được quy hoạch trên địa bàn H.Nhơn Trạch đã có 9 cảng được đầu tư xây dựng hoạt động ổn định và 1 cảng đang được đầu tư xây dựng.

Theo Sở GT-VT, thời gian qua, việc thu hút đầu tư xây dựng các cảng biển cũng như khai thác các cảng đã được đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do mạng lưới giao thông đường bộ phục vụ kết nối các cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ.

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 89,1km đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM. Đường Vành đai 3 được đánh giá là tuyến đường mang tính "chiến lược", tạo liên kết vùng giữa khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn của người dân và góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hạ tầng trong khu vực. Do đó, việc kiến nghị bổ sung thêm đoạn đường Vành đai 3 nối dài sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông kết nối để có thể khai thác hơn hiệu quả các cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch.

Trên thực tế, việc đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối cho các cảng biển là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển ngành logistics của tỉnh.

Trong hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, cảng Phước An, H.Nhơn Trạch hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng là cảng biển đóng vai trò quan trọng bậc nhất để phát triển ngành logistics. Cảng Phước An là cảng nước sâu, được quy hoạch xây dựng để có thể đón tàu có tải trọng lên đến 50 ngàn tấn. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện điều chỉnh khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An thành KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An. KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An được quy hoạch hệ thống dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ các hoạt động giao thông vận tải và logistics cho khu vực cảng Phước An đến các KCN trong khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong tương lai, khi cảng Phước An được xây dựng hoàn thành thì việc xuất nhập hàng hóa của Đồng Nai sẽ chủ yếu thực hiện thông qua cảng nước sâu này. Do đó, hoạt động dịch vụ logistics cũng sẽ tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực này.

                                                                                                           Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây