Quan tâm công tác tạm giam, tạm giữ

Thứ sáu - 05/07/2019 00:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 4-7, ông Trần Văn Quang, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn  khảo sát về công tác tạm giam, tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh (Phòng PC11).​

Nội dung buổi khảo sát nhằm nắm rõ số lượng người sử dụng ma túy/tổng số người bị tạm giam, tạm giữ; chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giam, tạm giữ; chế độ chăm sóc y tế, cắt cơn nghiện cho đối tượng nghiện ma túy; việc trang bị lắp đặt camera giám sát đảm bảo an ninh quản lý tạm giam tạm giữ; việc thực hiện chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác tạm giam, tạm giữ; đánh giá cụ thể những việc làm được, chưa được, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị để công tác tạm giam, tạm giữ trong thời gian tới được tốt hơn.

Công tác tạm giam, tạm giữ được đảm bảo

Theo báo cáo của Phòng PC11, trại tạm giam hiện có 177 buồng giam và đang giam giữ 581 đối tượng. Trong đó, số người bị tạm giữ, tạm giam từng sử dụng ma túy là 168 đối tượng; phạm nhân bị án tử hình 15 người.

Trong thời gian qua, Trại tạm giam Công an tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ tuyệt đối an toàn mục tiêu giam giữ, không để xảy ra chống phá, thông cung, trốn trại, tự tử trong trại. Trại đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người bị tạm giam, tạm giữ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người bị tạm giam, tạm giữ được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt cá nhân. Riêng đối với người bị tạm giam, tạm giữ là phụ nữ còn được cấp thêm đồ dùng cần thiết.


Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang phát biểu tại buổi làm việc.

Chế độ chăm sóc y tế cho người tạm giam, tạm giữ cũng được quan tâm. Mọi trường hợp tạm giữ, tạm giam bị ốm đau đều được khám, chữa bệnh kịp thời, không để xảy ra ốm đau tử vong tại trại. Từ đầu năm đến nay, cán bộ y tế đã khám và cấp phát thuốc cho 8.120 lượt người bị tạm giữ; chuyển đến bệnh xá trại khám và điều trị 32 lượt; chuyến đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh khám và điều trị 43 lượt vượt quá khả năng chuyên môn của cán bộ y tế trại.

Việc cắt cơn nghiện đối với đối tượng bị nghiện ma túy chủ yếu được thực hiện bằng việc gặp gỡ, động viên họ hằng ngày; làm tốt công tác tư tưởng và giáo dục về chế độ, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người bị giam giữ để họ có động lực cắt cơn nghiện. Trường hợp đối tượng nghiện ma túy khi mới bị bắt giam giữ lên cơn vật vã nhiều thì cán bộ y tế sẽ cho uống thuốc giảm đau và an thần nhẹ nhưng liều lượng giảm dần, kết hợp các loại vitamin để đối tượng bị nghiện dần cắt cơn. Còn trường hợp đối tượng nghiện ma túy quá nặng như: mất ý thức, có biểu hiện loạn thần thì đề xuất cho đi Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để khám, điều trị.

Thượng tá Đào Tuấn Anh, Trưởng phòng PC 11 (Công an tỉnh) cho biết, để có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương; sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chức năng và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện công tác quản lý giam giữ theo quy định của pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần hoàn thiện, giúp cho công tác quản lý tạm giữ, tạm giam ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó là sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tạm giữ, tạm giam của đơn vị còn gặp khó khăn. Các đối tượng nghiện ma túy thường là những người nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và trong chuyên án lớn khi giam giữ trong buồng giam có thiết bị kiểm soát an ninh theo dõi để phục vụ chuyên án điều tra nên tiếp xúc hạn chế. Việc điều trị cắt cơn bằng thuốc Methadone chưa thể áp dụng được bởi nhân lực cán bộ y tế còn thiếu. Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc đối với người bị giam giữ trong thời gian điều trị cắt cơn nghiện cũng cần được quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, bệnh xá trại hiện chưa có bác sĩ nên gặp khó khăn trong công tác khám điều trị cho người bị giam giữ, nhiều trường hợp phải chuyển viện. Việc quản lý giam giữ, giáo dục các phạm nhân bị án tử hình gặp nhiều khó khăn, do số đối tượng này không còn gì để mất nên thường xuyên tìm mọi cách chống phá, trốn trại. Ngoài ra, công trình phục vụ giam giữ được xây dựng từ năm 1993 đến nay bắt đầu xuống cấp; hệ thống kiểm soát an ninh qua thời gian sử dụng đã lâu nên bị xuống cấp và thường xuyên hư hỏng.

Từ những khó khăn trên, Phòng PC11 đề xuất nên chuyển Trại tạm giam vào gần khu vực Nhà tạm giữ Công an TP. Biên Hòa để thuận tiện cho công tác canh gác, bảo vệ mục tiêu và giúp tiết kiệm chi phí đi lại thi hành án tử hình, cũng như điều chuyển người bị giam giữ từ Nhà tạm giữ Công an TP. Biên Hòa sang Trại tạm giam. Hằng năm nên mở lớp tập huấn về công tác khám, điều trị, cắt cơn nghiện ma túy cho cán bộ y tế và cả cán bộ quản giáo; đặc biệt cần phải có bác sĩ đa khoa tại Trại tạm giam. Ngoài ra, đơn vị còn đề nghị nên sớm thi hành án tử hình đối với các trường hợp đã xét xử mà không có kháng cáo, kháng nghị, không có đơn xin ân giảm; có văn bản quy định về chế độ đối với người bị giam giữ nghiện ma túy trong thời gian điều trị cắt cơn; tiếp tục quan tâm nâng cấp, trang bị mới hệ thống kiểm soát an ninh để đảm bảo giám sát an ninh công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang đánh giá cao những kết quả mà Phòng PC11 thực hiện trong thời gian qua. Đơn vị đã không để bất cứ sự cố đáng tiếc nào xảy ra; chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, đơn vị cần sớm khắc phục một số khó khăn để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới đúng theo quy định của pháp luật. Ông Quang cho rằng, Phòng PC11 có những đề xuất, kiến nghị về trang thiết bị, cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ, nơi ăn ở của cán bộ quản giáo… là cần thiết, nhưng đơn vị cần phải bổ sung vào báo cáo thật chi tiết để từ đó, đoàn có cơ sở kiến nghị cho các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền xem xét giải quyết.

Quan tâm đến đời sống tinh thần người bị tạm giữ, tạm giam

Thời gian qua, Phòng PC11 Công an tỉnh còn rất quan tâm đến đời sống tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam tại đơn vị. Cụ thể, đơn vị thường xuyên trang bị nhiều sách, báo và tạo điều kiện để người bị tạm giữ, tạm giam đến đọc; cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên người bị tạm giữ, tạm giam, nhất là những trường hợp bị án tử hình; tạo điều kiện cho gia đình, người thân của người bị tạm giữ, tạm giam vào thăm theo đúng quy định của pháp luật...

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây