Huyện Vĩnh Cửu tiên phong làm lúa sạch

Thứ sáu - 29/11/2024 10:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024, huyện Vĩnh Cửu có 50 hécta diện tích đất lúa được cơ cấu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trong đó, 15 hécta chuyển đổi sang cây trồng hàng năm và 35 hécta chuyển sang cây trồng lâu năm.
Chủ tịch Hội Tiểu nông Cuba thăm ruộng lúa của nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
Chủ tịch Hội Tiểu nông Cuba thăm ruộng lúa của nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ, nông dân huyện Vĩnh Cửu đã và đang thực hiện các giải pháp trồng lúa sạch, thân thiện môi trường nhưng vẫn giữ năng suất cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có những khu cánh đồng lúa được người nông dân áp dụng các giải pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ. Sản phẩm lúa làm ra có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng đón nhận.

Kết quả này cho thấy, người nông dân đã có sự thay đổi tư duy trong thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường với từng loại cây trồng. Qua đó từng bước tạo dựng nền nông nghiệp bền vững phù hợp với xu thế hiện nay, vừa bảo đảm năng suất ổn định, vừa bảo vệ sức khỏe người nông dân tránh với các tác hại của thuốc hóa học vừa bảo đảm năng suất cây lúa hiệu quả hơn.

Năm 2023, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện gặt hái thành công khi lúa được mùa, được giá. Theo các nông dân, làm lúa sạch phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất, không sử dụng các loại thuốc, phân bón hoá học. Nếu hộ dân nào chịu chăm sóc kỹ hơn thì năng suất sẽ cao hơn nữa, có thể lên hơn 7 tấn/hécta. Với giá bán lúa cao hơn, người lao động giảm ngày công và an toàn sức khỏe vì không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hóa học. Do đó, diện tích lúa sạch ở Vĩnh Cửu đang tăng dần theo từng mùa vụ.

Ông Lê Minh Tốt, nông dân xã Tân Bình cho biết, thời gian qua, huyện đã tuyên truyền vận động người dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về phương pháp sử dụng phân bón, chế tạo men vi sinh để làm phân bón cho cây lúa và những cây trồng khác. Nhiều nông dân đã quyết định chuyển qua trồng lúa sạch. Khi chuyển đổi người dân được xã và ngành nông nghiệp huyện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình trồng trọt, chăm sóc. Hiện nay, năng suất trên cây lúa khá cao với trên dưới 6 tấn/hécta, chất lượng lúa được đánh giá cao.

Theo thống kế của UBND huyện Vĩnh Cửu, dự ước tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn huyện cuối năm 2023 là trên 6,8 ngàn hécta, bằng 92% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cây lúa trên 4,9 ngàn ha bằng 97% so cùng kỳ năm trước, cây bắp 502 hécta, rau các loại 723 hécta. Diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm so với cùng kỳ năm trước là do nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả, lâm nghiệp và một số diện tích đất đã bị đô thị hóa nên diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Với diện tích lúa toàn huyện Vĩnh Cửu trên 4,9 ngàn hécta diện tích trồng lúa. Diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ vẫn còn khá khiên tốn. Tuy nhiên, số nông dân làm lúa sạch, theo hướng hữu cơ vẫn tăng qua từng mùa vụ. Kết quả này cho thấy bà con nông dân đã nâng cao nhận thức, quan tâm đến chất lượng và quy trình sản xuất bền vững trên cây lúa. Cùng với sự động viên, hỗ trợ từ chính quyền địa phương các cấp, xuống tận nơi, chỉ tận tay, truyền tải những kiến thức, kỹ năng sản xuất sạch đến từng bà con nông dân đã giúp người dân hiểu được giá trị của sản xuất lúa sạch, đồng thời khẳng định sản xuất lúa sạch là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển.

Tham quan mô hình trồng lúa trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Chủ tịch Hội Tiểu nông Cuba Félix Duarte Ortega đánh giá rất cao những kết quả trồng lúa của nông dân Vĩnh Cửu. Theo ông Félix Duarte Ortega, nông dân trồng lúa ở Cuba hiện nay năng suất không cao, chỉ khoảng 2 tấn/hécta. Do đó, với những gì nông dân Vĩnh Cửu đã làm, ông rất muốn được học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng vào sản xuất lúa tại Cuba. Ông Félix Duarte Ortega hy vọng, thời gian tới, Cuba sẽ được học hỏi nhiều hơn những kỹ thuật canh tác cũng như giải pháp ứng dụng công nghệ, phân bón, đặc biệt là tạo các phân bón sinh học từ men vi sinh trong trồng trọt đang rất hiệu quả của nông dân Đồng Nai.
 
Ngoài cây lúa, người dân Vĩnh Cửu cũng đã đầu tư chuyển đổi cây bưởi, xoài và một số cây khác với khoảng hàng trăm hécta theo hướng hữu cơ thân thiện môi trường. Đây đang là hướng đi đúng đắn đối với nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu trong quá trình xây dựng các tiêu chí về môi trường và nông nghiệp trong xây dựng nông thôn nâng cao.

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây