Tăng cường tự động hóa trong sản xuất

Chủ nhật - 07/07/2019 21:43
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Tự động hóa sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm là xu thế hiện nay và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Theo các doanh nghiệp, trước thực tế thiếu lao động như hiện nay cùng với sự đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm của khách hàng, việc đẩy mạnh tự động hóa nhằm đảm bảo yêu cầu đổi mới, hiện đại, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu sản xuất.​

Những công nghệ tiền tỷ

Có dịp đến tham quan các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo công nghệ hiện đại, có thể thấy rõ sự thành công của họ gắn liền với tự động hóa sản xuất. Ở tất cả các lĩnh vực may mặc đến chế tạo máy, sản xuất các sản phẩm điện tử, cơ khí, các doanh nghiệp đều nhập khẩu đa dạng các loại máy hiện đại vào sản xuất. Ðặc biệt, những loại máy này đều có thể thay thế người làm hoặc một người có thể điều khiển 5 máy hoạt động và theo dõi quy trình hoạt động qua máy tính mà không mất nhiều thời gian như trước đây. Cụ thể các loại máy tự động đang được áp dụng hiệu quả trong sản xuất như: máy khoan robot tự động có thể thay thế người làm hoàn toàn; máy vắt sổ có thể làm ra hàng trăm sản phẩm trong một ngày và chỉ cần một người điều khiển hoặc máy cắt vải tự động, máy may lập trình…


Máy may lập trình tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai.

Hơn 2 năm nay, Công ty cổ phần Tổng công ty may Ðồng Nai đã đầu tư máy may lập trình để may sản phẩm. Với máy may lập trình này, một công nhân có thể điều khiển hai máy cùng lúc qua vi tính đã cài chế độ may sẵn, máy có thể may được 10 sản phẩm/lần bấm máy và được cài đặt chạy liên tục mà không mất nhiều thời gian và tốn nhân công như may thủ công. Hiện công ty đầu tư hơn 100 máy may lập trình và tiếp tục được nhận rộng tại các xưởng. Ðây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh nhập loại máy này về nhằm tự động hóa trong sản xuất. Ðặc tính nổi trội của loại máy này tăng năng suất gấp 4 lần so với công nhân làm việc với máy đời cũ, sản phẩm làm ra đẹp và ổn định về đường may. Từ hiệu quả của loại máy trên, doanh nhiệp tiếp tục đầu tư 11 tỷ đồng mua máy cắt vải tự động và máy chạy vải. Theo đó, khi đầu tư máy cắt vải, một cái máy có thể cung cấp nguyên liệu cho 300 công nhân may/ngày. Bên cạnh đó, máy chạy vải cũng mang lại hiệu quả cao, giúp giảm lao động, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Anh Vũ Lê Minh, công nhân trực tiếp điều khiển máy may lập trình cho hay, là công nhân được giao đứng máy may tự động, anh có chút lo lắng nhưng sau khi học một tuần điều khiển máy, anh đã thành thạo các thao tác và cảm thấy máy hoạt động tốt, giúp lao động làm việc nhẹ nhàng hơn mà vẫn đảm bảo số lượng sản phẩm được giao. Ðặc biệt, với tính hiện đại của loại máy này, anh có thể may hàng trăm sản phẩm/ngày. Ðây là điều mà trước đây ở xưởng dù công nhân có tay nghề cao cũng khó đạt được.

Tương tự, Công ty TNHH Bosch Việt Nam (tại KCN Long Thành), doanh nghiệp cũng đã đầu tư tiền tỷ vào tự động hóa sản xuất các sản phẩm dây đai truyền lực dùng trong hộp số tự động biến đổi liên tục cho xe hơi. Năm 2008, Bosch bắt đầu sản xuất dây đai CVT tại Ðồng Nai và trong năm đầu tiên đi vào sản xuất, nhà máy đã cho ra đời 1,6 triệu sản phẩm. Tính đến tháng 3-2018, nhà máy Bosch tại Ðồng Nai đã sản xuất hơn 25 triệu sản phẩm dây đai. Sản phẩm dây đai hiện được sản xuất tại 3 nhà máy của Bosch trên toàn thế giới, bao gồm Hà Lan, Việt Nam và Mexico.

Nhà máy tại Việt Nam là nhà máy sản xuất dây đai lớn nhất của Bosch toàn cầu. Ðây là các sản phẩm hiện đại, sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng nên doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh đầu tư máy móc để phát triển thương hiệu. Những dây chuyền tự động được lắp đặt ổn định, khép kín hoàn toàn đảm bảo công nhân làm việc trong môi trường sạch sẽ, an toàn và chuyên nghiệp. Ðiều đặc biệt, công nhân chỉ cần điều khiển máy qua màn hình máy tính tự động, không phải hoạt động tay chân vất vả như trước đây.

Chia sẻ lý do đầu tư vào tự động hóa, anh Trần Minh Lộc, kỹ sư cao cấp kiêm Phó chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, nhiều năm nay, việc tìm nguồn lao động là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán nhân công và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, hướng đến việc tự động hóa 70% quy trình sản xuất. Các loại máy tự động đều hiện đại, chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp sản xuất đạt yêu cầu và đảm bảo các thông số kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng máy hiện đại trong vận hành dây chuyền sản xuất giúp tiết kiệm chi phí cũng như sức lao động của con người và sản phẩm tăng gấp đôi so với trước.

Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Nhờ đầu tư vào quy trình tự động hóa mà nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và các đơn hàng đã ký. Cùng với đó, sản phẩm làm ra đẹp, chất lượng và đúng mẫu mã. Theo các doanh nghiệp, tự động hóa đã thay đổi tính chất lao động, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, nhất là trong các khâu độc hại, nặng nhọc, có tính lặp đi lặp lại nhàm chán, khắc phục dần sự khác nhau giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Mặt khác, tự động hóa các quá trình sản xuất cho phép đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại. Với các loại sản phẩm có số lượng lớn như đinh, bóng đèn điện, khóa kéo, may mặc… thì không thể tiếp tục các quá trình sản xuất thủ công để đáp ứng sản lượng lớn với yêu cầu giá thành thấp nhất. Ðây là thực tế kích thích sự phát triển của tự động hóa. Thành công với việc đầu tư tự động hóa sản xuất, nhiều doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Dây chuyền tự động hóa tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam.

Tại Công ty TNHH đồ mộc Chien Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu cũng đã đầu tư 7 tỷ đồng mua máy xẻ gỗ nhằm phục vụ trong các chuyền sản xuất. Công nhân chỉ cần thực hiện thao tác đưa gỗ vào máy, gỗ sẽ được xẻ ra theo đường thẳng tắp mà không cần đánh dấu. Máy này vừa giảm nhân công, tiết kiệm chi phí vừa xẻ sản phẩm đẹp và đúng kích thước mẫu mã khách hàng yêu cầu. Loại máy này được áp dụng rộng ở các xưởng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm bụi và rủi ro cho công nhân so với xẻ gỗ thủ công như trước đây. Ngoài tự động hóa bằng đầu tư máy móc, doanh nghiệp khuyến khích công nhân phát huy cải tiến máy móc cũ thành mới như máy khoan, một công nhân điều khiển có thể khoan 4 lỗ, nhanh hơn so với khoan thông thường.

Chủ tịch CÐCS Công ty cổ phần Tổng công ty may Ðồng Nai Phạm Xuân Tâm cho hay, tự động hóa các dây chuyền sản xuất bằng máy móc hiện đại giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chuyên nghiệp và nhanh hơn, cùng với đó, bổ sung được số lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề mà hầu như các doanh nghiệp đang thiếu như hiện nay. Mặt khác, khi đưa các máy móc hiện đại vào sản xuất, doanh nghiệp chỉ mất 1 tuần đào tạo thực hiện các thao tác trên máy, không mất nhiều thời gian so với đào tạo công nhân may như trước đây, bình thường khoảng 3 tháng đào tạo/người. Quan trọng, các loại máy này giảm đi nhiều thao tác, công đoạn, giúp công nhân làm việc nhanh và chuyên nghiệp hơn. “Tự động hóa các quá trình sản xuất thực hiện chuyên môn hóa và hoán đổi sản xuất. Việc nghiên cứu, cải tiến và đầu tư máy móc sẽ có chất lượng cao hơn, tiến độ nhanh hơn. Tự động hóa các quá trình sản xuất cho phép thực hiện cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu sản xuất tại doanh nghiệp”, anh Tâm nhấn mạnh.

N. Hòa

Tác giả: Nguyễn Thị Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây