Hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đã và đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ðiều này giúp Ðồng Nai tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
Trước đó, Ðồng Nai có chủ trương không mở thêm khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, trước cơ hội đón dòng vốn FDI lớn từ tác động của các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, tỉnh đang tính toán mở thêm KCN để “đón sóng” đầu tư, nhất là ở các địa phương giàu tiềm năng.
“Cú hích” từ các đại dự án
Hiện nay, nhiều dự án lớn về giao thông qua địa bàn tỉnh đang được triển khai như các đường cao tốc: Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu và Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành,... Ðặc biệt, đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) cũng đã chính thức được khởi động.
Hiện các KCN trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ lấp đầy cao nên có nhu cầu lớn trong việc mở thêm KCN mới. Trong ảnh: Một góc KCN Long Đức, huyện Long Thành.
Việc các dự án lớn, nhất là về giao thông được xây dựng đã tạo nên lực hút lớn với các nhà đầu tư cả trong nước và FDI đến với Ðồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, logistics...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2019, Ðồng Nai đã thu hút được gần 809 triệu USD vốn đầu tư FDI, đạt trên 80% kế hoạch năm. Trong đó, cấp mới khoảng 41 dự án với tổng vốn gần 400 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 35 dự án có vốn là 409 triệu USD. Vốn FDI đổ vào Ðồng Nai chủ yếu vẫn “chảy” vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh thu hút được hơn 118 triệu USD. Các dự án đầu tư mới và tăng vốn hầu hết nằm trong các KCN.
Theo quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Ðồng Nai sẽ có 35 KCN với tổng diện tích gần 12.000 ha. Ðến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.000 ha, trong đó đã có 31 KCN đi vào hoạt động.
Thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh cho thấy, đến nay đã có hơn 76% diện tích đất công nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được cho thuê. Ðặc biệt, trong số 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có gần 20 KCN đã lấp đầy diện tích đất cho thuê.
Trước thực trạng “cầu vượt cung” về nhu cầu thuê đất, hiện nay có 6 KCN trên địa bàn tỉnh đang thực hiện mở rộng, tăng thêm diện tích gồm KCN: An Phước, Long Ðức, công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Amata (TP. Biên Hòa) và KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc). Tuy nhiên, theo đánh giá, việc mở rộng các KCN hiện hữu cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án giao thông lớn, mang tính kết nối đang xây dựng sẽ tạo ra lợi thế trong thu hút vốn đầu tư cho Ðồng Nai.
Trong bối cảnh đó, việc mở thêm các KCN mới đang được Ðồng Nai tính toán.
“Đất vàng” Cẩm Mỹ
Một trong những địa điểm “vàng” mà Ðồng Nai hướng đến trong việc mở thêm KCN nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư là huyện Cẩm Mỹ. Bởi, theo đánh giá, đây là địa bàn có nhiều lợi thế khi các dự án giao thông lớn hoàn thành đi vào hoạt động.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, trong tương lai, Cẩm Mỹ là địa phương nằm trong khu vực đầu mối giao thông lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, địa phương này sẽ là một trong những “cửa ngõ” giao thông khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Ngoài ra, Cẩm Mỹ cũng sẽ nằm trong trục các tuyến cao tốc huyết mạch như Dầu Giây - Phan Thiết; Dầu Giây - Liên Khương. Cùng với đó, với việc có tuyến QL56 đi qua nối liền với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tạo thêm thuận lợi cho Cẩm Mỹ. “Hệ thống giao thông kết nối của Cẩm Mỹ trong tương lai là rất tốt, đi xuống các cảng biển thuận lợi, đi sân bay thuận lợi, hệ thống đường bộ cũng thuận lợi”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Mỹ ngày 14-6 vừa qua.
Ngoài hệ thống giao thông, một yếu tố nữa để Cẩm Mỹ trở thành “đất vàng” trong lựa chọn mở thêm KCN là dự địa về đất đai còn rất lớn.
Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chỉ mới quy hoạch 1 KCN Cẩm Mỹ nhưng chưa được triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ mới có 1 cụm công nghiệp (CCN) Long Giao được phê duyệt đầu tư xây dựng để phát triển ngành chế biến nông sản. 2 CCN còn lại là CCN Xuân Tây và Xuân Ðông đã được kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch do khó thu hút nhà đầu tư. “Như vậy, về đất đai, đặc biệt là khu vực cạnh KCN Cẩm Mỹ thuộc quỹ đất của Tập đoàn Cao su Việt Nam còn rất lớn”, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Trần Văn Chiến cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc xem xét mở thêm KCN trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ để “đón đầu” các dự án lớn - nhất là sau khi dự án Sân bay Long Thành đi vào hoạt động - đã được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và đề xuất UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Mỹ và các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tính toán việc mở thêm KCN trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Cẩm Mỹ trước đây là huyện nông thôn, tuy nhiên sau khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì phải định hướng phát triển lại theo hướng đô thị hóa. Ðặc biệt, với lợi thế về giao thông, cần tính toán đến việc mở thêm KCN trên địa bàn để “đón sóng” đầu tư. “Rõ nhất là hiện nay đang thực hiện các thủ tục để thành lập thị trấn Long Giao. Thêm đó là dự án Sân bay Long Thành và các tuyến giao thông quan trọng đang triển khai nên phải định hướng lại phát triển của Cẩm Mỹ, trong đó có việc mở thêm KCN”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Mở thêm KCN vẫn rất “hot”
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, trước đây Đồng Nai đã có chủ trương không mở thêm KCN mà chỉ hướng mạnh đến phát triển thương mại dịch vụ. Bởi, việc mở thêm KCN bên cạnh thu hút được vốn đầu tư cũng gây ra nhiều hệ lụy về an sinh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, với những tiềm năng mà Cẩm Mỹ đang có, việc mở thêm KCN tại đây là cần thiết. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, hiện Trung ương hạn chế việc mở thêm KCN là do lo ngại tình trạng xin mở tràn lan mà không thu hút được nhà đầu tư gây lãng phí đất đai. Trong khi tại Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN là rất cao, dư địa của các KCN đã có quy hoạch nhưng chưa xây dựng cũng đã hết nên việc mở thêm KCN vẫn rất “hot”.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập