Cổng TTĐT tỉnh đăng tải nội dung của Chương trình Cải cách hành chính và cuộc sống kỳ 03/2018 được phát sóng trên Đài PTTH Đồng Nai ngày 04/03/2018.
Thưa quý vị và các bạn, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao vị thế, năng lực canh tranh của tỉnh, cải cách thủ tục hành chính được tỉnh xác định là khâu “đột phá”. Cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh tháng 7-2017, Tổng Đài dịch vụ công 1022 của tỉnh cũng được thành lập nhằm ghi nhận, giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính hàng ngày.
Mục Cải cách hành chính và cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời đến trường quay ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh để cùng trao đổi những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tổng đài dịch vụ công 1022 của tỉnh. Xin cảm ơn ông Nguyễn Lục Hòa đã nhận lời tham gia chương trình. Trước khi trò chuyện cùng ông Nguyễn Lục Hòa, Mời quý vị và các bạn theo dõi 1 phóng sự ngắn:
Đây là tổng đài dịch vụ công của tỉnh. Tổng đài dịch vụ công 1022 được thành lập trên cơ sở quy tập trên 200 đầu số điện thoại đường dây nóng trên toàn tỉnh về một đầu mối. Khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính, hay muốn được giải đáp thắc mắc liên quan đến các thủ tục hành chính công, doanh nghiệp, người dân chỉ cần nhấc điện thoại và gọi tới tổng đài 1022. Tại đây, người dân sẽ được tư vấn miễn phí về cách thức thực hiện các thủ tục hành chính. Tổng đài cũng ghi nhận và giải đáp các vướng mắc liên quan đến hồ sở, thủ tục nhà đất, đăng ký kinh doanh, làm hồ sơ, lý lịch tư pháp cấp đổi giấy phép lái xe... cũng như những bức xúc phát sinh trong đời sống thường nhật.
Qua 8 tháng hoạt động, Tổng đài dịch vụ công 1022 đã tiếp nhận, xử lý trên 9.300 cuộc gọi, trong đó trên 70% nội dung các cuộc gọi thắc mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng…
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, cán bộ nhân viên VNPT luôn luôn học hỏi, cập nhật thông tin, những văn bản mới của UBNN tỉnh, những văn bản mới để trả lời, tư vấn cho người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thông qua tổng đài dịch vụ công (0251).1022, người dân có thể "đặt hàng". Nhân viên bưu điện sẽ mang các loại biểu mẫu, tờ khai… đến tận nhà để trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, thu phí/lệ phí, nộp hộ và trả kết quả (khi có). Việc kết hợp dịch vụ bưu chính nhận hồ sơ sơ, phát trả kết quả đã giảm thiểu đáng kể thời gian, chi phí đi lại cho người dân; giảm áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước. Cũng trong năm 2017, Bưu điện, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp triển khai dịch vụ hỗ trợ nộp phạt vi phạm hành chính tại nhà theo yêu cầu thông qua Tổng đài DVC 1022.
Theo kế hoạch, trong năm 2018 này, Tổng đài DVC 1022 của tỉnh sẽ kết nối với trang tiếp nhận phản ánh kiến nghị của Chính phủ để tiếp nhận - xử lý hiệu quả hơn các phản ánh, kiến nghị của người dân về TTHC, vì một nền hành chính phục vụ.
Thưa ông Nguyễn Lục Hòa, như phóng sự vừa nêu, trong năm 2018 này, Tổng đài DVC 1022 của tỉnh sẽ kết nối với trang tiếp nhận phản ánh kiến nghị của Chính phủ để tiếp nhận - xử lý hiệu quả hơn các phản ánh, kiến nghị của người dân về TTHC. Cho đến nay thì chủ trương này đã và sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh trả lời: Tổng đài Dịch vụ công 1022 tỉnh, là kênh đầu mối, tiếp nhận các yêu cầu, thắc mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện chính sách, quy định hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ.
Tuy nhiên, hiện nay Văn phòng Chính phủ cũng có Trang website tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp về quy định hành chính, thủ tục hành chính, hành vi của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Để đồng bộ nội dung trên cùng một Phần mềm, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 12795/UBND-KSTT ngày 08/12/2017 đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, kết nối Hệ thống của tỉnh chung trên Trang web của Chính phủ; đến nay, tỉnh Đồng Nai đang chờ ý kiến của Văn phòng Chính phủ xem xét kỹ thuật kết nối.
Trên thực tế, ngay sau khi tỉnh thành lập Trung tâm hành chính công, Tổng đài Dịch vụ công 1022 cũng được thành lập. Mục đích của việc thành lập Tổng đài Dịch vụ công là gì?
Ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai trả lời:
Thực trạng trước khi thành lập Tổng đài Dịch vụ công 1022, các cơ quan hành chính (tỉnh, huyện, xã) có trên 200 số điện thoại đường dây nóng; dẫn đến tình trạng người dân, doanh nghiệp rất khó biết chính xác số điện thoại nào để phản ánh, kiến nghị cũng như gọi hỏi việc hướng dẫn, kết quả giải quyết hồ sơ và các vấn đề về dịch vụ công ích, kinh tế, xã hội, đời sống…
Tổng đài Dịch vụ công 1022 ra đời, đã thu gom các số điện thoại nêu trên thành một số duy nhất (0251).1022, làm đầu mối, tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Việc thành lập Tổng đài Dịch vụ công đã giúp người dân, dễ gọi hỏi các vấn đề thắc mắc, phản ánh, kiến nghị (có thể gọi ngay cả ngoài giờ hành chính, Tổng đài tự động ghi lưu lại nội dung để xứ lý).
Về phía cơ quan Nhà nước: Tổng đài luôn bố trí người (Tổng đài viên) trực để nghe, trả lời hoặc ghi nhận nội dung chuyển đến các sở, ngành, địa phương xử lý, phúc đáp lại cho đương sự.
Qua 8 tháng hoạt động, Tổng đài Dịch vụ hành chính công có đáp ứng yêu cầu đề ra?
Ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai trả lời: Thời gian qua, Tổng đài Dịch vụ công 1022 tỉnh đã tiếp nhận thông tin qua các kênh: Điện thoại, tin nhắn SMS, Email, Zalo, hộp thoại livechat… Kết quả, đến nay đã nhận trên 9.500 ý kiến (trên 70% nội dung liên quan đến thủ tục hành chính).
Trong quá trình làm việc, Tổng đài viên phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các sở, ban, ngành, địa phương; phát huy tốt việc theo dõi, giám sát tình hình, kết quả tiếp nhận, xử lý và trả lời từ phía cơ quan nhà nước theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Qua thăm dò, đánh giá: Tổng đài Dịch vụ công 1022 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cá nhân, tổ chức khi tham gia tìm hiểu thông tin trên hệ thống.
Trên thực tế, những vấn đề phát sinh cần được quan tâm hoàn thiện là gì?
Ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai trả lời:
Qua thời gian hoạt động, một số tồn tại, như: Việc phối hợp, xử lý và trả lời các nội dung có tính chất phức tạp, liên quan nhiều ngành còn chậm; việc kết nối Phần mềm của tỉnh với Trang webside của Chính phủ chưa được thực hiện.
Thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung:
- Kiến nghị Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trương việc kết nối phần mềm; nhằm đồng bộ được nội dung phản ánh, kiến nghị trên cả 02 hệ thống Phần mềm của tỉnh & của Chính phủ.
- Trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu, thắc mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thực hiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ thông qua Hệ thống Tổng đài Dịch vụ công 1022 tỉnh.
Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là một quá trình và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, chung tay của người dân. Trong năm 2018 này chương trình cải cách hành chính của tỉnh sẽ tập trung vào những khâu nào để nền hành chính của chúng ta gần dân, sát dân và phục vụ doanh nghiệp, nhân dân hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai trả lời:
Để xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày càng gần dân, sát dân; trong năm 2018, UBND tỉnh tập trung cải cách một số nội dung trọng tâm:
(1) Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính khả thi của văn bản.
(2) Tiếp tục kiện toàn Trung tâm hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; Hoàn thiện Quy trình liên thông giải quyết các thủ tục lĩnh vực: đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng, tư pháp, chính sách xã hội, bảo trợ xã hội, quảng cáo, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực cần thiết khác: điện, nước...
(3) Mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết theo mô hình "phi địa giới hành chính" ở nhiều thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh hoặc Bộ phận một cửa cấp huyện hoặc cấp xã.
(4) Tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng chữ ký số, chứng thư số để xác thực văn bản điện tử để giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp nhanh, gọn.
(5) Tiếp tục triển khai Tổng đài Dịch vụ công của tỉnh (1022), làm đầu mối tiếp nhận ý kiến, giải đáp vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
(6) Thực hiện tiếp nhận, trả hồ sơ theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống Bưu điện. Phối hợp với Bưu điện hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Vâng, xin cảm ơn ông Nguyễn Lục Hòa – Chánh Văn phòng UBND tỉnh về những chia sẻ vừa rồi. Thưa quý vị, phần trao đổi với lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai vừa rồi đã giúp chúng ta hình dung phần nào những nỗ lực của tỉnh trong việc Cải cách thủ tục hành chính nhằm phục tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân khi liên hệ với các cơ quan công quyền.
Đến đây thì tiết mục Cải cách hành chính và cuộc sống cũng xin được tạm dừng. Hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tiếp theo.
Quý bạn đọc có thể xem chương trình tại đường dẫn: https://www.dongnai.gov.vn/Shared Documents/158867_video.aspx và tải về xem lại tại file đính kèm: CCHCvsCuocSong3.rar
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập