Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ hai - 30/05/2022 10:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Đồng Nai sẽ bứt phá thế nào để phát huy hết sức mạnh của vốn quý văn hóa vào phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), đáp ứng kỳ vọng của công chúng?

Để hiện thực hóa điều này, Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó quan tâm đến văn hóa. Qua đó, tăng năng suất và tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0, đưa nghệ thuật đến với người dân và du khách gần xa qua livestream
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0, đưa nghệ thuật đến với người dân và du khách gần xa qua livestream

Văn nghệ sĩ đã tiên phong ứng dụng công nghệ

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Đồng Nai thời gian qua được giới chuyên môn đánh giá khởi sắc, tạo được dấu ấn khi đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ đưa nghệ thuật đến với cộng đồng.
 
NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho rằng Đồng Nai đã mạnh dạn đổi mới bằng cách ứng dụng công nghệ vào sân khấu cải lương; đồng thời, duy trì hàng trăm buổi live stream trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt xem, bình luận và chia sẻ. Đây là tín hiệu tích cực vừa phát huy các trị văn hóa, vừa tạo dựng thương hiệu nghệ thuật của Đồng Nai.

“Tuy nhiên, để tạo đột phá, nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục được đầu tư, phát triển đồng bộ từ yếu tố hạ tầng đến con người, nhất là các sản phẩm nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, tiếp tục có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn nữa...” - NSND Giang Mạnh Hà nhận định.

Là một trong những mảnh ghép quan trọng, nhiếp ảnh Đồng Nai hôm nay đã và đang góp phần hình thành nên ngành CNVH. Nghệ sĩ Vũ Duy Thông (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho hay, thời gian qua, nhiếp ảnh đã ứng dụng công nghệ số, quảng bá hình ảnh quê hương đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật, lan tỏa những câu chuyện đẹp vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại không chỉ để tham gia các cuộc thi mà còn nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để “thương mại” hóa sản phẩm. Mỗi tác giả tự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc.

Số hóa lĩnh vực di sản vật thể và phi vật thể

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn, Đồng Nai đã số hóa được hơn 8,5 ngàn hiện vật ở bảo tàng; ứng dụng công nghệ, số hóa 3D cho các bảo vật quốc gia. Việc số hóa là nền tảng quan trọng để phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, trưng bày thường trực bảo tàng, tiến tới xây dựng bảo tàng số, bảo tàng công nghệ trong tương lai.

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng website để tạo sự tương tác với công chúng trên nền tảng công nghệ; đồng thời, có kế hoạch thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo tại di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của công chúng, khuyến khích nhu cầu tự trải nghiệm, khám phá cũng như tạo môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Con đường vươn tầm CNVH, định vị sức mạnh mềm văn hóa ở các sản phẩm, dịch vụ vươn ra thế giới của Đồng Nai hiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tất cả đòi hỏi sự quyết tâm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị để xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách (ưu đãi về vốn, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, văn nghệ sĩ sáng tạo…) phát triển các ngành CNVH trong thời kỳ mới.

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây