Xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng bằng giả để hành nghề y

Thứ năm - 15/10/2020 14:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, ngành Y là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, những người sử dụng bằng bác sĩ, dược sĩ giả, giấy phép hành nghề giả dù với bất kỳ lý do gì cũng không thể chấp nhận được.
Chuyển hồ sơ để công an điều tra, xử lý
BS CKII.Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho hay, từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả (trong đó 2 trường hợp sử dụng bằng giả để đăng ký hành nghề và 1 trường hợp để đăng ký thực hành). Ngoài ra, có 1 trường hợp khác sử dụng chứng chỉ hành nghề giả.
Ngay sau khi phát hiện các trường hợp trên, Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động các cá nhân, cơ sở y tế liên quan, xử phạt cơ sở sử dụng những người sử dụng bằng cấp giả và chuyển hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là sử dụng bằng bác sĩ giả (đã được 1 địa phương khác cấp chứng chỉ hành nghề) đến Đồng Nai để đăng ký hành nghề tại 1 phòng khám đa khoa, phạm vi hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh (X-Quang, siêu âm). Phòng khám này thực chất do một doanh nghiệp cũ hoạt động không hiệu quả, chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp chủ quản mới làm hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động và đăng ký tên bác sĩ này vào làm việc. Sau vài tháng phòng khám này đi vào hoạt động, Sở Y tế Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế TP.HCM phát hiện bác sĩ này sử dụng bằng giả.
Trường hợp thứ 2 là sử dụng bằng bác sĩ giả để đăng ký hành nghề tại 1 phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt tư nhân. Phòng khám này do 1 bác sĩ có bằng thật chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, đã được cấp giấy phép hoạt động. Còn người sử dụng bằng bác sĩ giả đã đăng ký làm chung tại phòng khám. Trong quá trình kiểm tra các cơ sở hành nghề răng hàm mặt trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã phát hiện ra người này sử dụng bằng cấp giả.
Trường hợp thứ 3 là người sử dụng bằng bác sĩ giả để đăng ký thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để xin cấp chứng chỉ hành nghề. Qua dư luận phản ánh, Sở Y tế đã kiểm tra, xác minh cho kết quả bằng bác sĩ mà người này sử dụng là giả.
Trường hợp thứ 4 là sử dụng chứng chỉ hành nghề giả. Trường hợp này làm việc tại một phòng khám đa khoa. Trong quá trình khai báo về hành nghề, phòng khám đa khoa nghi ngờ chứng chỉ hành nghề của người này nên đã báo cáo với Sở Y tế, Sở Y tế Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đã xác minh cho kết quả chứng chỉ hành nghề là giả.
Quản lý nghiêm ngặt hơn
Hiện nay, việc làm giả giấy tờ, bằng cấp được công khai tràn lan trên mạng. Nhiều người còn rao bán bằng bác sĩ với giá vài triệu đồng nên việc mua bằng giả rất dễ dàng.
Đại diện Sở Y tế cho biết thêm, đa số hồ sơ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề khi nộp lên Sở Y tế đều sử dụng bảng phô tô công chứng. Nếu cơ quan công chứng không phát hiện ra bằng giả, vẫn thực hiện công chứng thì khi đưa lên Sở Y tế, cán bộ chuyên môn nhìn bằng mắt thường bản phô tô công chứng không thể phát hiện được đó là bằng thật hay bằng giả.
Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được bản chính bằng cấp của y, bác sĩ khi đi thẩm định để cấp phép hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản nên chúng tôi cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm để biết bằng đó là bằng thật hay bằng giả chứ không có căn cứ nào để đối chiếu. Mặt khác, sau khi cơ sở được cấp phép hoạt động lần đầu, trong quá trình hoạt động nếu bổ sung nhân sự hành nghề thì người được bổ sung không bắt buộc phải mang văn bằng chính tới cơ quan chức năng để thẩm định mà chỉ cần nộp bản hồ sơ công chứng. Nếu có đủ hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu, Sở Y tế sẽ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Thủ tục đơn giản này cũng có thể là kẽ hở để một số cá nhân sử dụng bằng cấp giả.
Do đó, giải pháp mà Sở Y tế đưa ra trong thời gian tới để hạn chế việc để lọt các cá nhân sử dụng bằng cấp giả để hành nghề y là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, vừa thường xuyên vừa đột xuất, đặc biệt với các cơ sở và cá nhân có những dấu hiệu nghi ngờ. Bên cạnh đó, thông qua công tác thẩm định, xét hồ sơ, nếu thấy nghi ngờ sẽ có văn bản gửi các trường đại học y dược, các Sở Y tế liên quan để xác minh. Ngoài ra, Sở cũng sẽ có thông báo đối với tất cả những người hành nghề y, đặc biệt là bác sĩ, dù đăng ký hành nghề lần đầu hay đăng ký bổ sung cũng phải mang văn bằng bản chính đến Sở Y tế để kiểm tra.
Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây